Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tôm càng đỏ - loài sinh vật ngoại lai xâm hại, không nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam

Tin tức - Sự kiện  
Tôm càng đỏ - loài sinh vật ngoại lai xâm hại, không nằm trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam
Tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt..., có tên khoa học là Procambarus clarki. Loài tôm này có tên trong nhóm A, nhóm động vật không xương sống, Phụ lục II Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam.

Đây là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Trong thời gian gần đây có tình trạng tôm càng đỏ được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân cần hiểu rõ tác hại của loài sinh vật ngoại lai nguy hại này với môi trường và sản xuất nông nghiệp, nêu cao cảnh giác, không mua bán, sử dụng, nuôi giữ... loài tôm này dưới mọi hình thức, nhằm ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên. Các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương cần tích cực tuyên truyền, phổ biến về nguy  hại cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng, buôn bán, nuôi giữ, phát tán... loài tôm này; đồng thời tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, mọi người dân cần có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đỏ này theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học./.

A1.jpg

Tôm càng đỏ (tôm hùm đất) được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội nhưng thực tế loài tôm càng đỏ không có tên

trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: Báo điện tử Tuổi tré online.

Phòng Thủy sản