Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đất đai + Công nghệ cao + Cái đầu = Giàu chẳng khó

Đất đai + Công nghệ cao + Cái đầu = Giàu chẳng khó
Sau 7 năm thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) 2004 – 2010, tỉnh Lâm Đồng đã tạo được bước đột phá cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà khi đưa giá trị 1 ha đất sản xuất tăng lên gần 4 lần; ngành nông nghiệp cũng đóng góp tới trên 80% giá trị XK toàn tỉnh.
Từ bước đà này, tháng 5/2011 Tỉnh ủy Lâm Đồng còn cho ra đời hẳn một Nghị quyết (số 05-NQ/TU) về đẩy mạnh phát triển NNCNC giai đoạn 2011-2015 nhằm khẳng định rằng: Làm nông nghiệp giàu chẳng khó!

 

LÀM NÔNG BẰNG TRÍ

Chương trình phát triển NNCNC của Lâm Đồng sau 7 năm thực hiện (2004 - 2010) đã đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà đi đầu cả nước về hiệu quả sản xuất. Hiện toàn tỉnh đã có trên 37.000 ha đất canh tác đạt giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 6.400 ha ứng dụng NNCNC cho thu nhập từ 200 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha, đóng góp trên 80% giá trị XK toàn tỉnh. 

Giống bí khổng lồ nặng 100 kg được nông dân nhập từ Mỹ

CHÈ, RAU, HOA, CÁ ĐỀU “SIÊU” LỢI NHUẬN!

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Án – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, so với 7 năm trước, thu nhập trên 1 ha đất ứng dụng NNCNC đã đạt được kỳ tích: chè chất lượng cao đạt 200 – 300 triệu đồng, rau đạt 400 triệu đồng, còn hoa lên tới 800 triệu – 1 tỷ đồng/ha. Đặc biệt, thông qua các mô hình đạt kết quả cao, người dân và DN đã mạnh dạn nhân rộng mô hình sản xuất rau – hoa theo hướng CNC.

Đến nay đã có 7 đơn vị được chứng nhận GlobalGAP, 1 đơn vị chứng nhận sản xuất rau hữu cơ, 53 tổ chức và cá nhân sản xuất rau được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 55 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn với tổng diện tích khoảng 600 ha. Đối với sản xuất hoa, hiện trên địa bàn Đà Lạt và các vùng lân cận có trên 60 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoa, một số DN 100% vốn nước ngoài như Cty TNHH Đà Lạt Hasfarm, Cty TNHH Bonnie farm, Cty TNHH Apolo đạt trình độ ứng dụng KHCN trong sản xuất hoa ngang tầm khu vực.

Chăm sóc hoa theo quy trình CNC

Riêng lĩnh vực sản xuất chè chất lượng cao, điều vui mừng nhất là ý thức của hầu hết người sản xuất chè Lâm Đồng đã được nâng cao trong việc lựa chọn kỹ thuật canh tác tiên tiến như tưới tự động, sản xuất theo hướng an toàn, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), tạo mối liên kết giữa DN và nông dân, thu hút các DN đầu tư sản xuất và kinh doanh chè chất lượng cao (CLC).

 Hiện tổng diện tích chè CLC tại Lâm Đồng đạt gần 5.000 ha với các giống chè cao sản TB14, LD97, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… với sự tham gia của 22 DN nước ngoài và 11 DN trong nước. Trong số đó có 20 tổ chức, cá nhân sản xuất chè được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Khủng” hơn, lĩnh vực thủy sản ứng dụng NNCNC của Lâm Đồng đã đạt “siêu” lợi nhuận, đứng hàng đầu tính trên 1 ha sản xuất. Cụ thể, Lâm Đồng đang có 21 DN đăng ký đầu tư vào nuôi cá nước lạnh, trong đó có 9 DN đã đầu tư có hiệu quả với diện tích đạt 40 ha, doanh thu lên tới 3 – 4 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, đã có những mô hình đầu tư nuôi cá nước lạnh theo hướng nuôi công nghiệp ứng dụng CNC lên đến 1 triệu USD/ha của Cty liên doanh Thung Lũng Nắng.

RA ĐỜI “NGÂN HÀNG” GIỐNG XỊN

Theo TS. Phạm S, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, thông qua chương trình NNCNC đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống có năng suất, chất lượng cao, góp phần đa dạng hóa chủng loại giống cây trồng, vật nuôi tại tỉnh. Đặc biệt, Dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất giống rau, hoa, dâu tây sản xuất và cung ứng từ 6 – 10 triệu cây giống/năm. Đặc biệt, nhờ mạnh dạn đi trước một bước, Lâm Đồng sớm trở thành tỉnh đi đầu trong áp dụng giống cây trồng mới, đặc biệt là giống rau, hoa, chè chất lượng cao, các dòng cà phê cao sản…

Toàn tỉnh hiện có trên 100 loại rau, 60 loại hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao, 3 giống dâu tằm mới, 6 dòng cà phê vối cao sản được trồng và khai thác hàng hóa. Tỷ trọng giống mới đối với rau, hoa chiếm 80%; cây lương thực 90%; cây công nghiệp dài ngày như chè 46%, dâu tằm 30%, cà phê 20%; một số giống cây ăn quả mới được trồng duy nhất ở Lâm Đồng như cam Cara của Úc, nho Ý, nho Pháp.

Chế biến chè

Một trong những bước đột phá mang lại hiệu quả kinh tế cao, tác động lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương là việc nhân giống invitro thực vật. Công nghệ nhân giống invitro ở Đà Lạt được nghiên cứu và chuyển giao sản xuất từ những năm 1980 và phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Cả tỉnh hiện có 40 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật, hàng năm cung cấp cho thị trường 12 – 14 triệu cây giống cấy mô thực vật. Lâm Đồng cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước có những DN hàng năm XK 7 triệu cây giống invitro, chiếm 50% số lượng cây giống invitro toàn tỉnh.

HÌNH THÀNH KHU NNCNC HIỆN ĐẠI

Trong 7 năm (2004 - 2010) ứng dụng NNCNC vào sản xuất, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhờ hiệu quả kinh tế quá rõ ràng nên ngân sách nhà nước chỉ có 34 tỷ đồng, còn lại là huy động toàn bộ nội lực trong dân và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế lên tới 2.566 tỷ đồng.

Theo TS. Phạm S, Trung tâm Công nghệ sinh học và NNCNC Đà Lạt là loại hình mới ở VN, đặc biệt thực hiện bước chuyển về chất lượng của chương trình NNCNC, góp phần thực hiện thành công các khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Theo quy hoạch, Trung tâm này sẽ là hệ thống khép kín nằm gọn trong một vùng có không gian và cơ sở hạ tầng tối ưu, điều kiện sinh thái và cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất. Hoạt động của Trung tâm bao gồm các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, linh hoạt; ươm tạo và đưa các kết quả nghiên cứu triển khai ra thị trường.

Thông qua hoạt động của trung tâm, sẽ hỗ trợ người dân, DN một cách toàn diện ứng dụng các thành tựu về CNSH và NNCNC, góp phần tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, tạo mối liên kết bền vững giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất và chuyển giao. Ngoài ra, đây cũng sẽ là nơi thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Lâm Đồng sau khi được đào tạo ở khắp nơi, trở về phục vụ quê hương.

Hiện đã có những đơn vị hưởng ứng tham gia đầu tư vào đây như: Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Viện Sinh học nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, Viện Chiến lược và Chính sách Bộ NN- NT, Công ty CP tập đoàn Dược phẩm VIMEDIMEX, một số doanh nghiệp của các nước Hà Lan, Bỉ, Úc, Mỹ, Israel...

Quốc Trung