Cây ngô trồng trên đất bãi đang ở giai đoạn trỗ cờ, phun râu bị gãy đổ thiệt hại hoàn toàn 73 ha, diện tích còn lại năng suất giảm 50 - 70%; cây ngô trên đất hai lúa được 6-8 lá cũng bị đổ rạp, đổ khum đã được nông dân dựng lại 100% diện tích và chăm sóc, ước tính năng suất giảm từ 30 - 40%. Đối với cây đậu tương đang ở giai đoạn 3-4 lá kép, một số diện tích bị ngập úng cục bộ do lượng mưa ít khoảng 60mm, đã được thoát nước kịp thời nên không bị thiệt hại về năng suất. Đối với cây Dưa chuột đang cho thu hoạch; Bí xanh, bí đỏ đang ra hoa đậu quả, một số diện tích bị ngập úng, dập dây, tụt giàn, táp lá đã được nông dân chăm sóc kịp thời, ước năng suất giảm từ 20 - 30%. Đối với cây rau đậu các loại toàn bộ diện tích bị dập nát, ước năng suất giảm từ 20- 30%. Ước thiệt hại do bão số 8 gây ra đối với cây trồng vụ Đông 2012 - 2013 khoảng 45 tỷ theo giá cố định năm 1994. Diện tích trồng bổ sung thêm khoai tây, dưa chuột, rau đậu các loại để bù lại thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng. Như vậy giá trị bị giảm so với kế hoạch xây dựng ban đầu giảm khoảng 20 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão tan, Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn kỹ thuật, cùng các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục sản xuất bằng cách dựng những diện tích ngô bị đổ, buộc lại giàn dưa, trồng dặm, bổ sung các cây trồng vụ Đông còn thời vụ như dưa chuột, khoai tây, rau đậu các loại; đặc biệt tập trung chăm sóc, bón phân, phun bổ sung phân bón lá để cây phục hồi nhanh. Sở Nông nghiệp&PTNT đã có văn bản đề xuất Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp&PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí cho các loại cây trồng vụ Đông bị thiệt hại do bão số 8, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp&PTNT hỗ trợ 3 tấn hạt giống rau ăn lá các loại để mở rộng diện tích gieo trồng các cây vụ Đông ưa lạnh.
Tính đến ngày 30/11/2012, tổng diện tích các cây trồng vụ Đông 2012-2013 của toàn tỉnh đã gieo trồng là 14.850 ha, bằng 80,3% kế hoạch. Các cây trồng hàng hóa như dưa chuột xuất khẩu, bí xanh, bí đỏ diện tích tập trung nhiều nhất là huyện Lý Nhân và huyện Kim Bảng đã được mở rộng gắn với hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay từ đầu vụ. Huyện Lý Nhân có diện tích gieo trồng cây vụ Đông cao nhất toàn tỉnh chiếm 35% diện tích, tiếp đến huyện Duy Tiên 19% diện tích, huyện Kim Bảng 17,4% diện tích, huyện Bình Lục 16,5% diện tích, huyện Thanh Liêm 9,1% diện tích, Thành phố Phủ Lý 3,1% diện tích.
Thực tế hiện nay sản xuất vụ Đông chưa tưng xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, nhiều nơi người dân để đất trống do một số địa phương đang phát triển mạnh công nghiệp nên người dân cũng chuyển dần sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Để định hướng tốt cho việc phát triển vụ Đông, góp phần khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Nam đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân. Cụ thể theo Quyết định số 1205/QĐ-UBND ban hành ngày 17/9/2012 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông 2012-2013, tổng kinh phí hỗ trợ vụ Đông năm 2012 là 4.472 triệu đồng (Hỗ trợ sau đầu tư một phần tiền giống khoai tây, bí xanh, bí đỏ là 2.000.000đ/ha; cây dưa chuột vụ đông 2.500.000đ/ha). Ngoài cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh, các địa phương đã căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế sản xuất cây vụ Đông để hỗ trợ cho nông dân, như: UBND huyện Bình Lục hỗ trợ sau đầu tư, tập trung hỗ trợ cho diện tích trồng ngô trên đất 2 lúa với điều kiện diện tích ngô gọn vùng (2 ha trở lên), hỗ trợ theo đầu diện tích, căn cứ vào biên bản nghiệm thu kết quả thực tế trồng cây ngô vụ Đông trên đất 2 lúa để quyết định hỗ trợ, cứ tăng thêm 1ha thì thưởng 500.000 đ. Mỗi vùng ngô 10 ha trở lên thì thưởng 2.000.000 đ. UBND huyện Duy Tiên hỗ trợ 100% diện tích cho cây trồng hàng hóa như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà chua... với mức hỗ trợ bình quân 50.000 đ/sào Bắc bộ. UBND huyện Thanh Liêm hỗ trợ 100% diện tích cho 2 cây trồng vụ Đông ưa ấm chủ lực là ngô, đậu tương với mức hỗ trợ bình quân đối với ngô là 30.000 đ/sào; đậu tương là 20.000 đ/sào Bắc bộ. UBND huyện Kim Bảng hỗ trợ 100% diện tích cho cây dưa chuột với mức bình quân là 30.000 đ/sào Bắc bộ.
Đồng thời Sở triển khai kế hoạch, phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thực hiện sâu rộng tới cơ sở, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị tích cực tuyên truyền, chỉ đạo hội viên tích cực tham gia sản xuất vụ Đông theo hướng hiệu quả.
Hiện nay, một số cây trồng vụ Đông sớm đã cho thu hoạch như dưa chuột, ngô, bí xanh, bí đỏ... tuy sản lượng không cao nhưng bù lại được giá cao và thị trường tiêu thụ rộng. Dự kiến cây vụ Đông năm nay cho sản lượng hàng hóa lớn nên khả năng đem lại giá trị kinh tế tương đối cao, ước giá trị sản xuất vụ Đông khoảng 190 tỷ đồng (Giá CĐ1994), chiếm 18% giá trị ngành trồng trọt, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân.