Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội chi 1.000 tỷ cho chăn nuôi trọng điểm

Hà Nội chi 1.000 tỷ cho chăn nuôi trọng điểm
      Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt “Chương trình Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011-2015” với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu, đến năm 2015 giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư từ 70% hiện nay xuống 40%, đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 55% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp của thành phố.


 

TIẾN TRÌNH TẤT YẾU

Hà Nội trước đây vốn không phải là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi. Nhưng sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nội hình thành nên nhiều đặc thù, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội (đơn vị có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật và tư vấn phát triển chăn nuôi trên địa bàn TP) cho biết, hiện chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư còn chiếm một tỉ lệ khá cao và vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nông thôn. Do đó, không thể giải tán thói quen chăn nuôi truyền thống của bà con trong ngày một ngày hai.

Trước mắt, Sở NN-PTNT sẽ hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư và làm tốt công tác thú y, phòng dịch. Đông thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm đưa đầu gia súc, gia cầm khu vực này tăng cao. Cụ thể, Hà Nội sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi lợn cho 205 trang trại ngoài khu dân cư với 362.000 con (chiếm 24,1% tổng đàn lợn), mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm cho 224 trang trại ngoài khu dân cư với 4,5 triệu con (chiếm 30% tổng đàn gia cầm), xây dựng 15 xã chăn nuôi chuyên canh bò sữa với tổng đàn 14.850 con (tăng 7.260 con)…

Về lâu dài, thành phố Hà Nội tiến hành quy hoạch hoàn chỉnh các vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung, đẩy mạnh đưa chăn nuôi xa khu dân cư, tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm đảm bảo tốc độ sinh trưởng và chất lượng của đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, gắn phát triển chăn nuôi với khâu giết mổ, chế biến công nghiệp, bảo đảm vệ sinh thú y, ATVSTP và VSMT.

 Ông Tường cho biết thêm, hiện thành phố đã xây dựng được 7 vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại một số xã của huyện Ba Vì, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây… Hai địa phương chăn nuôi bò giống, bò thịt trọng điểm là xã Minh Châu, huyện Ba Vì và xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Hai vùng chăn nuôi gia cầm tập trung tại huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn.

PHẢI CHĂN NUÔI LỚN

Theo giới thiệu của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội, chúng tôi khảo sát thực tế tại một số địa phương đang triển khai chăn nuôi tập trung quy mô lớn, xa khu dân cư và cảm nhận được rõ hiệu quả của mô hình mang lại. Mô hình đầu tiên chúng tôi tìm đến là Cty CP Chăn nuôi và Dịch vụ Hoàng Long, đóng trên địa bàn xã Tân Ước. Đây là công ty chuyên về chăn nuôi lợn nái và lợn thịt lớn nhất huyện Quốc Oai và là mô hình điểm của thành phố Hà Nội. Hiện Cty Hoàng Long có quy mô 2 ha, nằm cách xa khu dân cư với 300 đầu lợn nái, 3.000 đầu lợn thịt, mỗi tháng xuất ra thị trường từ 40 - 50 tấn thịt lợn siêu nạc chất lượng cao.

Ông Nguyễn Trọng Long - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty tâm sự: Cty Hoàng Long được thành lập năm 2005 do năm thành viên cùng góp vốn. Ông Long thú thật, ban đầu cả năm thành viên không ai biết một tí kiến thức gì về chăn nuôi công nghệ cao, bản thân ông Long trước đây hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Quá trình chuẩn bị thành lập trại lợn, ông Long nhớ đã đi nát lốp xe tham quan không biết bao nhiêu mô hình chăn nuôi lợn khắp trong Nam ngoài Bắc và ông rút ra một kết luận rằng, chỉ có chăn nuôi lớn mới có thể tồn tại trong thời buổi dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi không ổn định như hiện nay.

Điều đó đã được thử thách, từ năm 2007, các cơn bão dịch tai xanh, LMLM liên tục càn quét khiến các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ xung quanh ngã liểng xiểng. Nhưng tuyệt nhiên trại lợn của Cty Hoàng Long vẫn bình an vô sự. Theo ông Long, có được điều đó là nhờ Cty ứng dụng mô hình chăn nuôi khép kín công nghệ cao chắt lọc được từ những công ty chăn nuôi của nước ngoài và các hộ chăn nuôi lớn thành công.

 

 

Ông Nguyễn Huy Đăng - PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội:

“Chăn nuôi tập trung, chăn nuôi lớn công nghệ cao, xa khu dân là điều tất yếu Hà Nội và các địa phương khác phải hướng tới. Thực chất, dịch bệnh xảy ra liên miên như hiện nay đều bùng phát từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún mà ra. Vì vậy, chỉ có hai con đường buộc anh phải lựa chọn, một là chăn nuôi lớn tập trung để tồn tại, hai là chết vì chăn nuôi nhỏ không khống chế được dịch bệnh”.

Tìm hiểu cách thức hoạt động của Cty Hoàng Long chúng tôi nhận thấy mọi khâu từ thức ăn, tiêm phòng, kiểm dịch đều được công ty sắp xếp, quản lý vô cùng chặt chẽ, gắt gao nên hạn chế được tối đa dịch bệnh xâm nhập vào trang trại. Từng tham quan trại lợn Thắng Huyền ở Gia Lộc, Hải Dương rất thành công trong việc chống dịch chúng tôi nhận thấy trại lợn của Cty Hoàng Long có nhiều điểm tương đồng. Và đây chính là “bí kíp” giúp trại lợn của họ thoát khỏi dớp dịch bệnh suốt sáu năm qua.

Mô hình thứ hai chúng tôi tìm hiểu là xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì. Minh Châu trước vốn là xã nghèo nhưng nhờ phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt mà cuộc sống của người dân nơi đây đang từng ngày khởi sắc. Hiện tổng đàn bò tại Minh Châu đã tăng lên 2.500 con. Bò giống và bò thịt tại Minh Châu khi bán ra thị trường bao giờ giá cũng cao hơn các địa phương khác từ 1 triệu - 2 triệu đồng/con. Hơn 1.000 hộ dân ở Minh Châu hiện chủ yếu sống nhờ nghề chăn nuôi bò.

Cũng phát triển mạnh mẽ đàn bò, nhưng các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài… huyện Ba Vì lại được Hà Nội chọn làm xã điểm phát triển bò sữa. Nếu như năm 2008, số lượng bò sữa của 7 xã điểm chỉ là 4.085 con, sản lượng sữa đạt 24 tấn/ngày thì sang năm 2010, nhờ được định hướng đầu tư phát triển thành các xã điểm, đàn bò sữa ở 7 xã trên tăng lên 6.800 con, sản lượng sữa tăng lên 63 tấn/ngày giúp tăng thu nhập của người nuôi bò sữa lên 20% so với trước đây.