Vụ Đông Xuân này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã triển khai mô hình chuyển đổi trồng ngô tại 2 xã Đọi Sơn – Duy Tiên và xã Thi Sơn – Kim Bảng với tổng diện tích 19ha, sử dụng giống ngô LVN61 của Viện Nghiên cứu Ngô. Đồng thời để dễ so sánh, mô hình lấy lúa KD 18 làm đối chứng về chi phí đầu tư, quá trình sinh trưởng phát triển và cả hiệu quả kinh tế. Với sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cán bộ địa phương và sự nhiệt tình, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của các hộ tham gia đã giúp mô hình triển khai hiệu quả ngay từ bước đầu. Qua theo dõi mô hình cho thấy giống ngô LVN61 trồng trên vùng đất cao chuyển đổi vẫn mang những đặc tính tốt như tỷ lệ nảy mầm cao, thời kỳ cây con khỏe, phát triển tốt, hồi phục nhanh khi gặp các điều kiện bất lợi so với các giống khác; khả năng chống chịu sâu bệnh khá, chịu hạn và chống đổ tốt, sinh trưởng và phát triển đồng đều; bắp to, dài 14-16 hàng hạt/bắp; tỷ lệ hạt trên bắp cao....., vỏ hạt mỏng, hạt có dạng răng ngựa, hạt tuy nhỏ nhưng rất nhiều hạt ( ) năng suất lý thuyết đạt 6 - 9 tấn/ha. Hiệu quả của việc chuyển đổi trồng ngô thay lúa trên vùng đất khó khăn nước tưới được thể hiện rõ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vụ Đông Xuân năm nay, đó là trong khi nhiều diện tích lúa cấy, đặc biệt trên những diện tích chân cao đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước lúa sinh trưởng phát triển chậm, thậm chí bị chết rét và phải cấy lại làm tăng chi phí sản xuất, nhưng ngô của mô hình ít bị ảnh hưởng, vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.
Cùng đầu tư vào các khoản như giống, phân bón, BVTV, thuốc trừ cỏ, làm đất, công lao động, song chi phí cho 1 sào ngô nhiều hơn 1 sào lúa 64 nghìn nhưng hiệu quả kinh tế thì cây ngô lại cho cao hơn. Với năng suất theo dự kiến, mô hình ngô đạt 220kg/sào bán ở mức giá 7.000 đồng/kg, cho tổng thu 1,54 triệu đồng/sào, trừ mọi chi phí thì 1sào ngô chuyển đổi cho lãi hơn ngoài mô hình là 106 nghìn đồng. Như vậy qua mô hình cho thấy giá trị hiệu quả kinh tế của cây ngô vừa cao hơn so với lúa, làm chuyển biến nhận thức cho nông dân thay đổi tập quán chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng cây ngô nhằm khắc phục khó khăn về nước tưới trong sản xuất vụ Đông Xuân, tăng hiệu quả kinh tế
Ngô là cây trồng dễ thâm canh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa, có nhiều triển vọng phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân và là sự lựa chọn thích hợp cho các vùng đất cao gặp khó khăn về nước tưới. Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Hà Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để mở rộng diện tích chuyển đổi những chân đất cao cấy lúa sang trồng ngô, góp phần giúp người dân sớm tiếp cận với quy trình kỹ thuật trồng các loại ngô nói chung và ngô LVN 61 nói riêng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.