Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trồng rau công nghệ cao

Trồng rau công nghệ cao
TỪ LÝ THUYẾT
Nông nghiệp công nghệ cao là ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất từ công nghệ sinh học, đến công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa… sao cho sản xuất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, đầu tư lao động thấp, không những đạt hiệu quả lớn hơn về mặt kinh tế mà còn hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội và sinh thái môi trường.


 

Trồng rau theo công nghệ cao trước hết là việc gia tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong sản phẩm, từ việc tạo, chọn và sử dụng các giống cây có năng suất, chất lượng, kháng hoặc chống chịu tốt với các loại dịch hại, đây có thể là những giống lai thế hệ F1, gốc ghép, nuôi cấy mô; ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác từ gieo trồng, bón phân, tưới nước, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ.

Các kỹ thuật canh tác này có thể được thực hiện trong các nhà lưới, nhà kính hoặc nhà màng, có thể trên mặt đất, trên không hoặc dưới lòng đất, canh tác trong môi trường đất, các loại giá thể khác nhau (địa canh), trong môi trường nước (thủy canh) hoặc trong không khí (khí canh).

Hoàn toàn chủ động, điều khiển và quản lý bằng các chương trình, trang thiết bị và phương tiện hiện đại như việc cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng và theo mục tiêu năng suất, chất lượng mong muốn của nhà sản xuất và những nông dân canh tác theo phương thức này cũng phải được đào tạo, thực hành và ứng dụng nhuần nhuyễn có thể được gọi là các công nhân nông nghiệp. Tất cả các yếu tố nêu trên sẽ mang lại giá trị cao cho sản phẩm khi được đưa vào thị trường.

ĐẾN THỰC TIỄN VIỆT NAM

Từ năm 2003, một số địa phương đã đầu tư những khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng với công nghệ và trang thiết bị hiện đại nhập khẩu trọn gói nhưng hàng chục tỷ tiêu tan mà chưa có mô hình nào thành công. Tại TP Hồ Chí Minh, Cty CP BVTV An Giang, một doanh nghiệp có vốn “khủng” sau nhiều năm đầu tư cho rau sạch cũng đành chấp nhận thất bại.

Phong trào Khu nông nghiệp công nghệ cao một thời đâu đâu cũng râm ran nay đã im ắng. Tuy nhiên nếu chỉ phiến diện đánh giá qua những mô hình thất bại mà vội kết luận rằng Việt Nam chúng ta không nên trồng rau bằng công nghệ cao thì không thỏa đáng và trên thực tế đã có nhiều mô hình thành công mặc dù hàm lượng khoa học chưa thật cao.

Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu cả nước về trồng rau theo hướng công nghệ cao, việc hầu hết bà con nông dân chuyển từ việc mua cây con thay cho việc tự gieo ươm, trồng rau trong nhà màng hở với chi phí thấp và lợi nhuận từ việc trồng rau lên tới 200 triệu/ha/năm là một thực tế không thể phủ nhận. Rau Lâm Đồng cũng được coi là an toàn nhất khi rất nhiều năm liền các xét nghiệm tồn dư hóa chất ở các chợ đầu mối, siêu thị đều cho kết quả thấp nhất so với nguồn rau từ các địa phương khác.

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở TP Hồ Chí Minh mặc dù mới khánh thành giai đoạn 1 nhưng không còn đủ đất cho các doanh nghiệp trồng rau công nghệ cao thuê. Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước cũng đang hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao do các doanh nghiệp đầu tư 100% vốn. Thực tế đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao bằng vốn nhà nước vừa qua khiến nhiều người liên tưởng đến việc đầu tư cho chương trình 1 triệu tấn đường trước đây, ý tưởng và tính toán khoa học không sai nhưng không thể ồ ạt sử dụng đồng vốn của nhà nước.

Nông dân có thể trồng rau theo hướng công nghệ cao không? Chắc chắn là không chỉ nông dân Lâm Đồng làm được mà tất cả các vùng miền khác đều có thể. Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam đang xây dựng mô hình nhà màng với chi phí đầu tư chỉ vào khoảng 800 triệu/ha dùng trong 5 năm ở TP Hồ Chí Minh qua 2 năm sản xuất được đánh giá là có tính khả thi cao nhất trong điều kiện nông dân VN.

           Sản xuất rau công nghệ cao là hướng đi tích cực, khả năng ứng dụng trên một vùng chuyên canh lớn có sự đầu tư cao, khai thác các lợi thế tự nhiên và lao động, tạo ra một khối lượng hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của những đối tượng phù hợp. Tuy nhiên cần lựa chọn các bước đi phù hợp về đối tượng cây trồng, công nghệ áp dụng, quy mô và khả năng đầu tư, đầu ra của sản phẩm và cuối cùng là phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng của vùng đầu tư, khai thác.