I. Giới thiệu chung
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: Nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy sản; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản,...
Trong đó, lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Nông nghiệp được giao xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiêp, thủy sản và hoạt động phát triển nông thôn tại địa phương; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo quy định của pháp luật.
II. Tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường
1. Kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ môi trường:
a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của ngành, lĩnh vực theo quy định
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu ban hành và góp ý xây dựng các văn bản, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể như sau:
Kế hoạch 1296/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh về Hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024; Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 19/10/2023 về việc phê duyệt Đề án “Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2025"; Kế hoạch số 1525/KH-UBND ngày 05/8/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2025; Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 01/3/2024 của UBND tỉnh về việc bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025; Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 20/10/2023 về việc thực hiện Chương trình OCOP năm 2024; Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 2293/KH-UBND ngày 27/11/2023 Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2025.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành các văn bản đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án bảo vệ môi trường; rà soát tiêu chí BVMT làng nghề; tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống, cũng như quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn; ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch hại trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi; công tác bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
b) Cơ cấu cơ quan chuyên môn và tình hình bảo đảm nguồn lực triển khai thi hành các quy định của pháp luật
- Về nhân lực: Hiện Sở bố trí một đồng chí công chức kiêm nhiệm công tác về môi trường.
- Kinh phí: nguồn kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu lồng ghép với các các hoạt động chuyên môn, các chương trình sự nghiệp của đơn vị.
- Máy móc, trang thiết bị: Chưa có máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường.
3.1. Kết quả bảo vệ môi trường làng nghề
Toàn tỉnh hiện có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động (32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề), 07 làng nghề không còn hoạt động.
Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 01/3/2024 về Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025 và Kế hoạch số 1911/KH-UBND ngày 24/9/2024 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Về phương án bảo vệ môi trường làng nghề: Có 32/58 làng nghề (chiếm 53,4%) đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện phê duyệt. Trong năm 2024, có thêm 12 làng nghề có Phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện phê duyệt (làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi; làng nghề thêu Dương Xá, thêu Mậu Chử, thêu Quang Trung, thêu Thạch Tổ, thêu Ứng Liêm; làng nghề thôn Động Nhất; làng nghề truyền thống làm nón lá Bói Hạ, huyện Thanh Liêm; làng nghề thôn Bói Kênh, huyện Bình Lục; làng nghề TT đan thúng Quan Hạ, làng nghề thôn Quan Trung, huyện Lý Nhân).
- Về hạ tầng bảo vệ môi trường:
+ Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung: Hiện nay hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, nước thải tại các cơ sở, hộ gia đình làng nghề chỉ được thu gom và xử lý sơ bộ bằng hố lắng trước khi thải ra môi trường xung quanh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 01/58 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung (làng nghề truyền thống dệt nhuộm Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; công suất xử lý nước thải là 200m3/ngày đêm);
+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Chất thải rắn sinh hoạt tại các làng nghề hiện nay được thu gom bởi các tổ thu gom của địa phương thu gom về các điểm tập kết rác trên địa bàn xã và được vận chuyển về các nhà máy xử lý theo quy định.
+ Chất thải rắn sản xuất tại các làng nghề phát sinh chủ yếu là phế phẩm, phế liệu (đầu mẩu gỗ, tre nứa...), tuy nhiên lượng thải không lớn và được các hộ thu gom tái sử dụng làm chất đốt hoặc bán cho người đi thu gom để làm nguyên liệu phục vụ các ngành nghề khác như sản xuất giấy, than, hương...
+ Chất thải nguy hại (chủ yếu là các loại vỏ bao bì chứa thuốc nhuộm, dầu mỡ, hóa chất, giẻ lau, găng tay dính dầu, mỡ, hóa chất, bóng đèn huỳnh quang hỏng…) với lượng phát sinh không nhiều nên hầu hết các hộ làm nghề thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt, một số hộ sản xuất quy mô lớn thực hiện hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý với các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.
(chi tiết có phụ lục đính kèm)
3.2. Kết quả bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Trong năm 2024, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều mô hình, áp dụng nhiều giải pháp có hiệu quả để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực phụ trách. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho 720 hộ nông dân áp dụng các Quy trình: chăn nuôi an toàn sinh học; chăn nuôi theo VietGAHP; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; Quy trình ủ phân và xử lý chuồng trại bằng chế phẩm sinh học EM-BIO; Quy trình vận hành, sử dụng, bảo dưỡng công trình khí sinh học; Quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học EM, Biocatalys phối trộn vào thức ăn; Quy trình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi...
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 10 ngàn hộ xử lý chất thải bằng hầm biogas với trên 15.000 công trình khí sinh học, trên 75% tổng số hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi (như sử dụng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ ...); trên 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm áp dụng nền đệm lót sinh học, tổng diện tích khoảng 35 nghìn m2 chuồng trại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đang áp dụng công nghệ tách nước trong phân và tái sử dụng nước để giảm thiểu lượng nước thải phát sinh.
Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y và việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của trang trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở giết mổ. Tiến hành kiểm tra tại 06 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng, thị xã Duy Tiên và đánh giá định kỳ 01 cơ sở chăn nuôi nuôi lợn quy mô lớn tại huyện Lý Nhân, kiểm tra điều kiện đối với 15 cơ sở buôn bán thuốc thú y; kiểm tra đánh giá và đánh giá định kỳ 06 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường thuỷ sản theo đúng quy định. Tổ chức lấy 45 mẫu (nước tiểu, thịt lợn, gia cầm) của các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và kinh doanh để kiểm tra các chất cấm và tồn dư trong chuỗi cung ứng sản phẩm động vật và đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước dùng trong chăn nuôi, cơ sở giết mổ.
3.3. Kết quả bảo vệ môi trường trong trồng trọt
* Công tác trồng trọt, BVTV
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất:
+ Thực hiện 75 cánh đồng mẫu với tổng diện tích trên 1.857,7 ha. Cánh đồng mẫu đều được quy hoạch gọn vùng, phát triển bền vững.
+ Làm đất trồng lúa bằng máy 100% diện tích; cấy bằng máy: 11.754,3 ha. Cấy hiệu ứng hàng biên 1575 ha.
+ Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Tập trung phát triển diện tích lúa hàng hóa, chất lượng đạt 28.115,8 ha, bằng 50,2% tăng 4,7 % so với năm 2023.
+ Xây dựng và thực hiện được 04 vùng sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 48,95/50,2 ha.
- Cấp 14 Mã số vùng trồng với diện tích 112,0 ha (trong đó Lúa 9 vùng, diện tích 92,2 ha; cây ăn quả 5 vùng, diện tích 19,8 ha) gắn với tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
- Tổ chức 01 hội nghị triển khai công tác BVTV năm 2024 tới Lãnh đạo các Phòng Nông Nghiệp, Phòng Kinh tế, Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật các Trung tâm DVNN, đại diện một số HTX nông nghiệp và toàn bộ Cán bộ BVTV cơ sở trong toàn tỉnh với 190 người tham gia. Chỉ đạo các Trung tâm DVNN các huyện, thị xã, thành phố tổ chức được 106 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng với 6.569 lượt người tham gia.... qua đó giúp sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác trồng cây nhân dân, cây phân tán..., năm 2024 toàn tỉnh trồng 1.060,6 ngàn cây đạt 96,4% so với kế hoạch cả năm 2024... góp phần nâng cao độ che phủ, tạo cảnh quan đẹp, cải thiện môi trường sinh thái.
* Công tác Lâm nghiệp:
- Triển khai công tác bảo vệ rừng đến các địa phương với diện tích 2.935,1 ha rừng phòng hộ và 644,65 ha rừng sản xuất.
- Diện tích trồng rừng lại sau khai thác đạt 20 ha.
- Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và cùng với các đơn vị, địa phương, chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Tuyên truyền đến các địa phương trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, bảo tồn thiên nhiên.
- Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc nên trong nhiều năm nay lực lượng Kiểm lâm luôn bám sát địa bàn đảm bảo tất cả các xã có rừng đều có Kiểm lâm viên phụ trách, nhằm hướng dẫn người dân các thủ tục về lâm nghiệp và kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý khi mức độ vi phạm còn nhỏ hẹp.
(chi tiết có phụ lục đính kèm)
* Về công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường:
+ Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: Phối hợp với các công ty, viện nghiên cứu xây dựng 06 mô hình trình diễn giống mới; 03 mô hình trình diễn phân bón mới; 01 mô hình trình diễn thuốc BVTV... làm cơ sở để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất các tiến bộ KHKT góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác.
+ Tổ chức 01 hội nghị tập huấn tuyên truyền văn bản pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp.
3.4. Kết quả bảo vệ môi trường tại các công trình thuỷ lợi
- Ban hành, tham mưu ban hành một số văn bản chỉ đạo, đề nghị các địa phương, các Công ty khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi góp phần bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh[1].
- Tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi[2] và kiểm tra tình hình xả nước thải vào công trình thủy lợi theo nội dung giấy phép được cấp[3] đối với một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến xả nước thải vào công trình thủy lợi để thực hiện cấp Giấy phép môi trường đối với 16 dự án trên địa bàn tỉnh[4].
- Ký hợp đồng với Viện nước, tưới tiêu và Môi trường thực hiện việc giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước gây ra.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy lợi và các quy định của pháp luật có liên quan để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi bằng nhiều hình thức khác nhau: tại các hội nghị sơ kết, tổng kết; in ấn và phát tài liệu; trên hệ thống loa phát thanh của địa phương.
IV. Các tồn tại, nguyên nhân trong công tác bảo vệ môi trường
4.1. Tồn tại, hạn chế:
- Hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề chưa được đâu tư đồng bộ, đặc biệt thiếu đầu tư các công trình bảo vệ môi trường.
- Công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề chưa triệt để, tình trạng xả thải ra hệ thống tiêu nước chung gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến.
- Có thời điểm chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất lượng nước trên sông Nhuệ và sông Đáy.
- Tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thủy sản đối với những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ manh mún vẫn còn nhiều.
- Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa triệt để còn gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường có hướng gia tăng nhất là các vùng chăn nuôi với quy mô lớn, nằm trong khu dân cư.
- Các trang trại chăn nuôi tập trung chưa xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đã cam kết trong Báo cáo ĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Các hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ chưa thực hiện đầy đủ thủ tục môi trường, chưa xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường.
- Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí tài nguyên nước,...) của các doanh nghiệp, cá nhân hộ gia đình trong lĩnh vực chăn nuôi chưa đầy đủ.
4.2. Nguyên nhân
- Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường còn hạn chế.
- Các cơ sở sản xuất làng nghề chủ yếu là sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm xen kẹp trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu vốn, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, nhận thức của người dân còn hạn chế nên trong quá trình sản xuất chưa xử lý tốt môi trường.
- Công tác hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị xử lý chất thải, cải thiện môi trường cho các quy mô chăn nuôi còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; Ý thức chấp hành các quy định, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của nhiều hộ chăn nuôi còn hạn chế.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chuyên môn về môi trường và của các cấp chính quyền địa phương còn chưa được thường xuyên, liên tục;
- Một số khu vực trên địa bàn tỉnh phụ thuộc vào nguồn nước từ hệ thống thủy lợi sông Nhuệ, vì vậy mỗi lần Hà Nội xả thải, nước thải chảy theo sông Nhuệ về địa phận tỉnh Hà Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng.
- Nhận thức của không ít nông dân về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường còn hạn chế: sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện; chưa thực hiện đúng quy định về việc thu gom bao gói thuốc thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn trong sản xuất; chưa có ý thức bảo vệ nguồn nước.
- Nhiều địa phương chưa quy định nơi thu gom và xây bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật đủ đáp ứng nhu cầu đối với sản xuất vì không có kinh phí.
V. Kiến nghị, đề xuất
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam đề nghị đối với các Bộ, Ngành:
- Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện cải tạo, nạo vét hệ thống sông Nhuệ để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong lưu vực. Điều chỉnh quy trình vận hành của hệ thống thủy lợi sông Nhuệ để giảm thiểu nguồn nước ô nhiễm xuống hạ lưu. Đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
- Đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí thực hiện công tác giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và đầu tư mua trang thiết bị, phương tiện để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, lấy mẫu chất lượng nước xả thải vào công trình thủy lợi.
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội trong công tác bảo vệ môi trường./.