Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Báo cáo Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024
Báo cáo số 06/BC-SNN ngày 03/01/2025 của Sở Nông nghiệp & PTNT Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024
  1. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 01/3/2024 về Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025 và Kế hoạch số 1911/KH-UBND ngày 24/9/2024 thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp & PTNT thường xuyên đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề địa phương; xây dựng phương án bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và thực hiện rà soát các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác kiểm tra

Chỉ đạo và giao Chi cục Phát triển nông thôn kiểm tra công tác quản lý tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống theo Kế hoạch tại 3 xã: xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân, xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm, xã Liêm Tuyền thành phố Phủ Lý. Tại thời điểm kiểm tra, trong tổng số 9 làng nghề trên địa bàn 3 xã chỉ có 1/9 làng nghề có phương án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt. Công tác quản lý nhà nước về làng nghề đã được UBND các xã tích cực quan tâm, đến nay 8/9 làng nghề có phương án bảo vệ môi trường làng nghề được UBND cấp huyện phê duyệt.

2. Kết quả phát triển ngành nghề nông thôn

- Hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh được phân theo 6 nhóm ngành nghề, cụ thể: Nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nghành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024, cụ thể như sau:

+ Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề là 27.807 cơ sở (27.014 hộ gia đình, 488 doanh nghiệp, 299 HTX và 6 tổ hợp tác).

+ Tổng doanh thu năm 2024 ngành nghề nông thôn ước đạt 9.352 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 56.398 lao động (lao động thường xuyên là 47.535 lao động)

(Chi tiết theo phụ lục 1 đính kèm)

3. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động (32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề), 07 làng nghề không còn hoạt động; 58 làng nghề được công nhận đang hoạt động được phân theo 4 nhóm ngành nghề, cụ thể: nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 18 làng nghề (10 làng nghề truyền thống và 08 làng nghề); nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 02 làng nghề truyền thống; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 37 làng nghề (20 làng nghề truyền thống và 17 làng nghề); nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 01 làng nghề. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 58 làng nghề, cụ thể:

+ Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề là 7.445 cơ sở (7.314 hộ gia đình, 126 doanh nghiệp và 05 HTX).

+ Tổng doanh thu năm của làng nghề năm 2024 ước đạt 2.589,01 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 18.206 lao động (lao động thường xuyên là 14.806 lao động, số nghệ nhân là 15 nghệ nhân).

+ Thu nhập bình quân của lao động trong làng nghề năm 2024 ước đạt 5,95 triệu đồng/lao động/tháng, trong đó có 22 làng nghề có thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/lao động/tháng (chiếm 37,9%); 16 làng nghề có thu nhập bình quân từ 5 - dưới 7 triệu đồng/lao động/tháng (chiếm 27,6%); 20 làng nghề có thu nhập bình quân dưới 5 triệu đồng/lao động/tháng (chiếm 34,5%).

(Chi tiết theo phụ lục 2,3 đính kèm)

- Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh làng nghề, làng nghề truyền thống theo nhóm ngành nghề cụ thể như sau:

Nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm:

+ Có 18 làng nghề (10 làng nghề truyền thống và 08 làng nghề), cụ thể: làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều, bánh đa nem xóm 1 Trần Xá, xóm 2 Mão Cầu, xóm 3 Trần Xá, xóm 4 Mão Cầu, xóm 3+4 Đồng Phú (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân); bún thôn Đinh (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý); bún, bánh đa Kim Lũ (xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm); rượu Bèo (thôn Thượng, xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên); rượu Vọc (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) và làng nghề xóm 4, Nhân Tiến; xóm 3 (xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân); làng nghề làm bún bánh xóm 6, xóm 9, Cát Lại, xóm 8 Ngô Khê (xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục); làng nghề thôn Phạm, xã Đinh Xá; làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm Bích Trì, xã Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý).

+ Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1.439 cơ sở (1.434 hộ gia đình, 3 HTX, 2 doanh nghiệp), với tổng doanh thu đạt khoảng 301,26 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.888 lao động (lao động thường xuyên là 2.491 lao động), thu nhập bình quân đạt khoảng 6 triệu đồng/lao động/tháng.

+ Sản phẩm chính được chế biến từ gạo như bánh đa nem, bún, miến, rượu,... với nguồn nguyên liệu chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình,... Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội...; đặc biệt, hiện nay sản phẩm bánh đa nem Làng Chều đã được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc,... với giá trị ước đạt 30 tỷ đồng. Quy trình sản xuất, chế biến tại các cơ sở cơ bản đã có đầu tư máy móc vào một số công đoạn như: xay bột, tráng bánh (làng nghề làm bánh đa nem), hệ thống lọc rượu (làng nghề truyền thống rượu Vọc); sản xuất bún (làng nghề truyền thống làm bún thôn Đinh),… qua đó làm giảm sức lao động của con người, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

+ Đây là nhóm ngành nghề đang phát triển, sử dụng lao động nông nghiệp dư thừa ở địa phương và nguyên liệu tại chỗ nên hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận/đơn vị sản phẩm. Hiện nay, có 5 sản phẩm làng nghề được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (rượu Vọc, rượu Đức Toàn, rượu Vọc Đức Toàn,  bánh đa nem làng Chều, rượu Bèo Giang Lương); 04 sản phẩm (bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc, rượu Bèo, bánh đa sợi, miến Bích Trì) đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu tập thể). Thu nhập bình quân/lao động/tháng tại các làng nghề truyền thống đạt từ 6 triệu đồng/lao động/tháng trở lên cao hơn ở các làng nghề với thu nhập ≤ 5 triệu đồng/lao động/tháng. Các sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu được nhiều người biết đến từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

- Nhóm ngành sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ (02 làng nghề)

+ Có 02 làng nghề: làng nghề TT sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão, huyện Bình Lục; trống Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.

+ Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong 02 làng nghề là 353 cơ sở (348 hộ gia đình và 05 doanh nghiệp), tổng doanh thu đạt khoảng 310 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 791 lao động (lao động thường xuyên là 638 lao động), thu nhập bình quân đạt khoảng 10,5 triệu đồng/lao động/tháng, cụ thể:

Làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai với 2 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm phục vụ đời sống nhân dân như doi ngựa, lược chải đầu, cặp tóc,…; và nhóm sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như các con vật, tượng, các tích cổ như bộ tượng Tam Đa, “long, ly, quy, phượng", “tùng, trúc, cúc, mai",...). Với nguồn nguyên liệu sừng, móng (trâu, bò) cùng với đôi bàn tay khéo léo, đầy sáng tạo của người dân làng nghề Đô Hai giúp cho các sản phẩm sừng mỹ nghệ không chỉ tinh xảo mà còn có nét độc đáo riêng, mang tính sáng tạo và nghệ thuật. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu nhưng chủ yếu dưới dạng cung cấp cho các đầu mối thu gom mang đi hoàn thiện tại Trung Quốc hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để xuất khẩu trực tiếp với giá trị ước đạt 15 tỷ đồng.

Đối với làng nghề truyền thống trống Đọi Tam: Trước đây các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là trống các loại, sản phẩm trống Đọi Tam đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu tập thể); hiện nay, nắm bắt theo nhu cầu thị trường những người thợ làng Đọi Tam đã học hỏi và trau dồi kiến thức phát triển thêm nghề mới: làm bom rượu gỗ sồi, bồn tắm, chậu ngâm chân,... Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, chưa xuất khẩu. Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, một số cơ sở sản xuất trong làng nghề đã đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thu nhập bình quân làng nghề năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh so với năm 2023 đạt bình quân 14 triệu đồng/lao động/tháng.

- Nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (37 làng nghề).

Với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh là 5.526 cơ sở (5.405 hộ gia đình, 2 HTX, 119 doanh nghiệp), tổng doanh thu đạt khoảng 1.973,55 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 14329 lao động (lao động thường xuyên là 11543 lao động), thu nhập bình quân đạt khoảng 5,7 triệu đồng/lao động/tháng, cụ thể:

Ngành sản xuất đồ gỗ (09 làng  nghề)

- Gồm làng nghề truyền thống Nhật Tân, xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng); làng nghề truyền thống đồ mộc xóm 6, Mai Xá, thị trấn Vĩnh Trụ; làng nghề xóm 6, Xuân Khê; xóm 2, xã Công Lý; làng nghề thôn Quan Trung, xã Văn Lý (huyện Lý Nhân); làng nghề thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); làng nghề thôn Trung Thứ, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm); làng nghề thôn Bói Kênh, xã An Lão; làng nghề xóm Cầu Gỗ, xã Đồng Du (huyện Bình Lục).

- Sản phẩm làng nghề đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại với các sản phẩm như: giường, tủ, bàn ghế, cửa, tranh... thu nhập bình quân từ 6 -7 triệu đồng/lao động/tháng. Một số cơ sở chế biến gỗ áp dụng công nghệ CNC (điều khiển số bằng máy tính) vào đục, trạm, tiện (tạo hình theo khuôn mẫu được lập trình bằng máy tính) giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo độ chính xác cao cho sản phẩm với đa dạng các loại họa tiết, hình dáng độc đáo đẹp mắt, đáp ứng nhu thẩm mỹ của người sử dụng. Các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề chế biến gỗ chưa chủ động chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Các làng nghề chế biến gỗ đang hoạt động sản xuất ổn định, tạo việc làm cho các hộ dân trong làng và lao động thuê ngoài, đặc biệt thu hút một số lao động trẻ do nghề chế biến gỗ tạo thu nhập ổn định cho người lao động làm nghề.

Ngành dệt, nhuộm (03 làng nghề)

- Gồm làng nghề truyền thống dệt Nha Xá, xã Mộc Nam; làng nghề ươm tơ Từ Đài, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); làng nghề dệt Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân).

- Các sản phẩm chính của nhóm ngành như: lụa, khăn tơ tằm, đũi, vải,…; thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng. Đa số nguồn nguyên liệu (tơ của làng nghề dệt Nha Xá, Đại Hoàng và kén của làng nghề ươm tơ Từ Đài) được nhập từ tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh miền Trung, ngoài ra một số ít là nguyên liệu nội tỉnh và nhập khẩu. Các sản phẩm được tiêu thụ tại các đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn...; đặc biệt, sản phẩm lụa Nha Xá của làng nghề truyền thống dệt Nha Xá đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu tập thể). Các doanh nghiệp và hộ gia đình trong làng nghề không ngừng đầu tư trang thiết bị, cải tiến máy móc hiện đại đưa vào sản xuất tạo ra năng suất cao, chất lượng mẫu mã sản phẩm tốt, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, làng nghề đang gặp khó khăn do sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp, giá vật tư cao.

Nhóm ngành gốm sứ (có 1 làng nghề truyền thống là gốm Quyết Thành)

Với tổng số 115 hộ gia đình, tạo việc làm cho khoản 345 lao động, doanh thu năm 2022 đạt 3,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/lao động/tháng. Các sản phẩm làng nghề chủ yếu là gốm sành, gốm son. Nguyên liệu chính là đất sét lấy từ các xã Thụy Lôi, Ngọc Sơn, Thị trấn Quế được mua tận dụng ở những chân ruộng cốt cao, chủ hộ có nhu cầu cải tạo. Trong làng nghề có hộ đã chuyển sang lò nung gas thay vì than, củi như trước vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tăng năng suất tạo thành sản phẩm. Thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt khoảng 4,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Nhóm ngành thêu ren (02 làng nghề truyền thống và 08 làng nghề)

- Gồm: làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa, thêu ren Hòa Ngãi; làng nghề thêu ren Ứng Liêm, Dương Xá, Mậu Chử, Quang Trung, Thạch Tổ, Thanh Liêm (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm); làng nghề Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa; làng nghề Phương Thượng, xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng); thu nhập bình quân đạt 3 - 4 triệu đồng/lao động/tháng.

- Đối với các làng nghề thêu ren thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm chủ yếu là được làm thủ công (chiếm khoảng 80%), áp dụng máy móc chủ yếu ở khâu in, giặt là. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng như: chăn, ga, gối, đệm, túi, ví,... Trong làng nghề đã thành lập hiệp hội sản xuất và kinh doanh thêu ren Thanh Hà và được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm, do nguồn hàng xuất khẩu chưa được khôi phục nên từ năm 2021 các sản phẩm làng nghề không xuất khẩu được, sản phẩm chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Hiện tại làng nghề đang phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch như đồ lưu niệm (túi thêu ren, ví,...) phục vụ du khách trên cả nước đặc biệt ở các khu du lịch lớn tại các tỉnh thành (Phú Quốc, Quảng Ninh,...).

- Đối với 02 làng nghề thuộc huyện Kim bảng, thêu ren ở làng nghề Phương Thượng chủ yếu được làm thủ công với thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nội tỉnh; làng nghề Lạc Nhuế với đa dạng các sản phẩm thêu, may vi tính: quần áo, thổ cẩm,.. thị trường tiêu thụ trong cả nước và có phục vụ xuất khẩu.

Nhóm nghề thêu ren là mặt hàng phát triển theo xu hướng thị trường, đa dạng về kích cỡ, phong phú về chủng loại, mẫu mã, hoa văn và các họa tiết, đặc biệt là có thể tận dụng mọi lao động từ người già đến trẻ nhỏ nhất là phụ nữ nông thôn lúc nông nhàn. Tuy nhiên, nhóm ngành này đang gặp khó khăn do sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của các đầu mối thu gom nên sản xuất cầm chừng, thu nhập bình quân lao động thấp, không thu hút lao động trẻ.

Nhóm ngành mây tre đan, đan lát (12 làng nghề truyền thống)

Gồm: làng nghề truyền mây giang đan Ngọc Động, phường Hoàng Đông (thị xã Duy Tiên); làng nghề truyền thống đan cót Thọ Chương, đan cót thôn Sàng, xã Đạo Lý; mành nứa xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4, Công Xá, thị trấn Vĩnh Trụ; đan thúng Quan Hạ, xã Văn Lý (huyện Lý Nhân)); làng nghề truyền thống nón lá Bói Hạ, xã Thanh Phong; nón lá Ân Khoái, nón lá Văn Quán, xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm) và tre đan Gòi Thượng, xã An Nội (huyện Bình Lục). Thu nhập bình quân của nhóm ngành đạt 4,2 triệu đồng/lao động/tháng. Các sản phẩm chủ yếu được làm thủ công, tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận, trong đó sản phẩm của làng nghề truyền thống mây giang đan Ngọc Động đã được xuất khẩu (80% sản phẩm) sang các nước như Mỹ, Nhật, Châu Âu,… với giá trị ước đạt 24 tỷ đồng. Năm 2024, sản phẩm nón lá của làng nghề TT Ân Khoái và Văn Quán (Liêm Sơn, Thanh Liêm) đã được được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện nay các làng nghề đang dần bị mai một do nền kinh tế phát triển nhưng thu nhập từ ngành nghề thấp, nhu cầu thị trường giảm do sự phổ biến của các sản phẩm thay thế.

Nhóm ngành cơ khí (01 làng nghề truyền thống, 01 làng  nghề)

Làng nghề truyền thống dũa Đại Phu (xã An Đổ, huyện Bình Lục) sản xuất ra các sản phẩm dũa, cưa... Với 43/206 hộ gia đình tham gia ngành nghề đạt gần 21% số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động nghề, tổng doanh thu ước đạt 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 145 lao động (40 lao động thường xuyên), thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/lao động/tháng. Nguồn nguyên liệu làm dũa là phôi thép đặc chủng của Liên Xô cũ tạo ra sản phẩm là những chiếc dũa tam giác, bán nguyệt, vuông, tròn, chữ nhật, dệt,... với nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau, là một nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Sản phẩm dũa cưa sản xuất ra chủ yếu được xuất sang các nước Đông Âu, Lào, Campuchia,.. một phần nhỏ tiêu thụ trong nước. Sản xuất chủ yếu là thủ công, dụng cụ để làm rũa đơn giản chỉ là: đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bể rèn, tẩy rửa. Làng nghề đang dần bị mai một do người tiêu dùng chuyển sang dùng máy dũa để thay thế, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Làng nghề xóm 8 Mai Xá (Thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân) với các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật dụng gia đình như: cuốc, xẻng, mai, máy thái thức ăn gia súc, cốp pha sắt, dao thái, xen hoa sắt - inox, bánh lồng đất, cửa sắt, rèn bàn... Với tổng số 81/147 hộ gia đình tham gia hoạt động làng nghề, doanh thu ước đạt 11 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 155 lao động (121 lao động thường xuyên), thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/lao động/tháng.

- Nhóm ngành sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh (01 làng nghề)

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam có duy nhất một làng nghề thôn Động Nhất (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) làm về cây cảnh, đá cảnh. Với tổng số 127 hộ gia đình, doanh thu ước đạt 4,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng  lao động (134 lao động thường xuyên), thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/lao động/tháng. Nguồn nguyên liệu đá cảnh được tìm mua từ nhiều nơi, phần nhiều được vận chuyển ra từ Thanh Hóa, Nghệ An,... Làng nghề nằm ven đường quốc lộ nên thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hoạt động sản xuất của làng nghề ổn định, phát triển, ngoài việc chế tác đá, cây cảnh tại chỗ, làng nghề còn thiết kế vườn cảnh cho các cơ quan, đơn vị, tạo được việc làm, thu hút lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho lao động.

(Chi tiết theo Phụ lục 4 đính kèm)

4. Tình hình thực hiện các tiêu chí làng nghề

Đối chiếu theo quy định tại Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, tình hình thực hiện các tiêu chí tại các làng nghề trên địa bàn cụ thể như sau:

a) Tiêu chí về tỷ lệ số hộ

Có 50/58 làng nghề đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ trên địa bàn (tỷ lệ số hộ tham gia ngành nghề trong làng nghề đảm bảo đạt từ 20%); 08/58 làng nghề chưa đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ (làng nghề truyền thống đan thúng Quan Hạ, xã Văn Lý; đan cót thôn Sàng, xã Đạo Lý; làng nghề xóm Vương, xã Công Lý, làng nghề thôn Quan Trung xã Văn Lý, làng nghề xóm 4 Nhân Tiến xã Tiến Thắng huyện Lý Nhân; làng nghề truyền thống làm bún, bánh đa Kim Lũ, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm; làng nghề CBLT,TP Bích Trì xã Liêm Tuyền; làng nghề TT mây giang đan Ngọc Động, thị xã Duy Tiên).

b) Tiêu chí về bảo vệ môi trường

Có 32/58 làng nghề đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường (chiếm 55,2%). Trong năm 2024, có thêm 12 làng nghề có Phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện phê duyệt (làng nghề TT thêu ren An Hòa, Hòa Ngãi; làng nghề thêu Dương Xá, thêu Mậu Chử, thêu Quang Trung, thêu Thạch Tổ, thêu Ứng Liêm; làng nghề thôn Động Nhất; làng nghề TT làm nón lá Bói Hạ, huyện Thanh Liêm; làng nghề thôn Bói Kênh, huyện Bình Lục; làng nghề TT đan thúng Quan Hạ, làng nghề thôn Quan Trung, huyện Lý Nhân).

c) Tiêu chí về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh

Có 58/58 làng nghề đảm bảo tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như vậy, có 29/58 làng nghề (chiếm 50%) đảm bảo 3 tiêu chí làng nghề; có 25/58 làng nghề (chiếm 43,1%) đảm bảo 2 tiêu chí làng nghề; có 04/58 làng nghề (chiếm 6,9%) chỉ đảm bảo 1 tiêu chí.

(Chi tiết tình hình thực hiện các tiêu chí làng nghề theo Phụ lục 5 đính kèm)

5. Thực trạng môi trường làng nghề

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với việc thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, chất lượng môi trường tại các làng nghề đang dần được cải thiện, không phát sinh các khu vực làng nghề ô nhiễm.

- Thực trạng nước thải tại các làng nghề:

+ Các hộ sản xuất trong làng nghề hầu hết chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sản xuất, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên hầu hết thải trực tiếp ra môi trường, không qua xử lý. Hiện nay, chỉ có 01 hộ sản xuất dệt nhuộm tại làng nghề truyền thống dệt Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất khoảng 20m3/ngày.đêm, một số hộ dệt nhuộm khác chỉ đầu tư hệ thống thu gom thoát nước thải và xử lý qua hố lắng, lọc sau đó xả ra môi trường.

+ Đối với làng nghề TT dệt Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân đã thực hiện di dời các hộ tẩy nhuộm gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề và khu dân cư về khu sản xuất tập trung, được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung công suất 200m3/ ngày.đêm, xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 13-MT:2015/BTNMT trước khi thải ra môi trường.

- Về môi trường nước mặt: Ô nhiễm nước mặt tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, tập trung tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm và các làng nghề sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, dệt nhuộn. Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các làng nghề không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, nước thải tại các cơ sở, hộ gia làng nghề chỉ được thu gom và xử lý sơ bộ bằng hố lắng, bể tự hoại sau đó thải ra môi trường tiếp nhận là các ao, hồ, rãnh thoát nước trong khu vực làng nghề. Bên cạnh đó, do các làng nghề phát triển từ lâu đời, phần lớn tập trung trong khu dân cư, các khu vực ao, hồ, kênh tiêu thoát nước là nơi tiếp nhận các nguồn thải trong khu dân cư bao gồm cả các hộ làm nghề và không làm nghề, đồng thời hầu hết các ao hồ không được lưu thông, nạo vét, khơi thông dòng chảy thường xuyên.

- Chất lượng nước dưới đất tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh đang bị ô nhiễm bởi các thông số NH4+, Fe, As, Cl- tại làng nghề TT dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam; Nhật Tân, xã Nhật Tân; thêu ren Hòa Ngãi, xã Thanh Hà.

- Chất lượng môi trường không khí: Thời gian qua, chất lượng môi trường không khí tại các làng nghề đã được cải thiện, cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép.

- Chất thải rắn sinh hoạt tại các làng nghề hiện nay được thu gom bởi các tổ thu gom của địa phương thu gom về các điểm tập kết rác trên địa bàn xã và được vận chuyển về các nhà máy xử lý theo quy định. Hiện nay, CTRSH trên địa bàn tỉnh cơ bản được thu gom, vận chuyển về 02 nhà máy với tổng khối lượng khoảng 350-360 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn đạt 98%, trong đó tỉ lệ xử lý đạt khoảng từ 93-94%.

- Chất thải rắn sản xuất tại các làng nghề phát sinh chủ yếu là phế phẩm, phế liệu (đầu mẩu gỗ, tre nứa...), tuy nhiên lượng thải không lớn và được các hộ thu gom tái sử dụng làm chất đốt hoặc bán cho người đi thu gom để làm nguyên liệu phục vụ các ngành nghề khác như sản xuất giấy, than, hương...

- Chất thải nguy hại: chủ yếu là các loại vỏ bao bì chứa thuốc nhuộm, dầu mỡ, hóa chất, giẻ lau, găng tay dính dầu, mỡ, hóa chất, bóng đèn huỳnh quang hỏng…, lượng phát sinh không nhiều nên hầu hết các hộ làm nghề thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt, một số hộ sản xuất quy mô lớn thực hiện hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý với các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.

6. Thực trạng công tác bảo tồn và phát triển làng nghề

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 04/11/2022 về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 01/3/2024 về Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025.

a, Làng nghề tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Có 07/58 làng nghề (chiếm 12,1%) có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Năm 2024 có 01 sản phẩm rượu Vọc Đức Toàn thuộc làng  nghề TT sản xuất rượu Vọc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

b, Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch

Một số tuyến du lịch gắn với làng nghề đã được khảo sát để đưa vào khai thác, cụ thể như:

- Đền Lảnh Giang - Làng nghề truyền thống dệt Nha Xá - làng nghề truyền thống Mây giang đan Ngọc Động - Khu du lịch Tam Chúc.

- Chùa Long Đọi Sơn - Làng nghề truyền thống trống Đọi Tam - Khu du lịch Tam Chúc - Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành.

c, Bảo tồn và phát triển làng nghề

- Tiến hành công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2023 cho 31 người (trong đó 02 nghệ nhân và 29 thợ giỏi).

- Năm 2024, thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng dệt may cho cơ sở sản xuất kinh doanh (Công ty TNHH Sơn Thúy Silk thuộc làng nghề TT dệt Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên).

- Hỗ trợ công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 cho 9 sản phẩm của 4 làng nghề (bồn cabin xông hơi, bồn tắm gỗ cao cấp, bom rượu gỗ sồi 200l của làng nghề TT trống Đọi Tam xã Tiên Sơn; bộ ấm chén trà, bộ bình gốm đựng rượu, bộ sản phẩm chum sành Quyết Thành của làng nghề TT gốm Quyết Thành Thị trấn Quế, rượu Vọc Đức Toàn của làng nghề TT sản xuất rượu Vọc xã Vũ Bản, bánh đa nem làng của làng nghề TT bánh đa nem làng Chều xã Nguyên Lý).

- Công tác đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm làng nghề: Có 16/58 làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 27,6%), trong đó năm 2024, sản phẩm nón lá của làng nghề TT làm nón lá Ân Khoái và nón lá Văn Quán đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu (nhãn hiệu tập thể).

- Xúc tiến thương mại: Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực: Năm 2024, trung tâm GDNN- GDTX huyện Lý Nhân tổ chức đào tạo nghề cho 520 người; trung tâm GDNN- GDTX huyện Kim Bảng tổ chức đào tạo nghề cho 160 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 95%. Thu nhập bình quân của lao động nông thôn sau học nghề trung bình 5 triệu đồng/tháng.

7. Tồn tại, nguyên nhân

a, Tồn tại, hạn chế

+ Lực lượng lao động trong các làng nghề có xu hướng giảm, một số làng nghề có nguy cơ bị mai một. Toàn tỉnh hiện có 58 làng nghề đang hoạt động, chưa công nhận thêm làng nghề mới.

+ Năng lực quản lý kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm của các chủ hộ, cơ sở sản xuất còn hạn chế; trình độ tay nghề của lao động chưa cao, năng suất lao động thấp.

+ Một số hợp tác xã, tổ chức Hội ở địa phương thiếu sự kiểm soát về số lượng sản phẩm, việc tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu, logo gắn trên sản phẩm còn hạn chế, việc cấp quyền sử dụng logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm thực hiện thiếu chặt chẽ làm ảnh hướng đến danh tiếng, uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

+ Tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã trong làng nghề còn ít và mang tính đơn lẻ.

+ Công tác xây dựng phương án bảo vệ môi trường theo quy định mới còn chậm; công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề chưa triệt để, tình trạng xả thải ra hệ thống tiêu nước chung gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến.

+ Hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt thiếu đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

+ Khả năng xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề còn nhiều hạn chế: nhiều sản phẩm làng nghề chưa xây dựng thương hiệu; sản phẩm làng nghề được đưa vào hệ thống siêu thị còn ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề đa số là nội tỉnh và một số tỉnh lân cận, một số cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu tuy nhiên được tiêu thụ chủ yếu qua khâu trung gian.

+ Một số nhóm ngành nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

b, Nguyên nhân

+ Công tác quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề của một số địa phương chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

+ Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho phát triển ngành nghề, làng nghề còn hạn chế.

+ Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý ngành nghề nông thôn, làng nghề còn thiếu về số lượng và chất lượng, nhất là ở cơ sở nên việc tổng hợp báo cáo theo quy định tại một số địa phương chưa kịp thời, phản ánh chưa đầy đủ những khó khăn của địa phương, chất lượng báo cáo chưa cao.

+ Một số Hợp tác xã, tổ chức Hội vẫn chưa nắm rõ được vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu bảo hộ để giữ gìn danh tiếng của sản phẩm.

+ Lực lượng lao động tại các làng nghề đa phần là người có tuổi đời cao và phụ nữ, công việc mang tính chất gia truyền, bên cạnh đó, thu nhập từ làng nghề còn thấp và không ổn định nên nhiều hộ không còn tha thiết với nghề dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề đang có chiều hướng gia tăng.

+ Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẹp trong khu dân cư không có khả năng mở rộng sản xuất cũng như gây khó khăn trong công tác xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trong một số làng nghề còn hạn chế.

+ Nguồn nguyên liệu của một số nhóm ngành nghề như dệt may, mây tre đan, trống, sản xuất đồ gỗ, sừng tại địa phương đa số nhập nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CƠ BẢN PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN, LÀNG NGHỀ NĂM 2025

1. Phương hướng

- Duy trì và củng cố 58 làng nghề, làng nghề truyền thống hiện đang hoạt động; khuyến khích phát triển làng nghề mới; phát triển làng nghề gắn với du lịch.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhất là trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, đặc biệt gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thành lập và nâng cao chất lượng của các hiệp hội sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề; cải tiến công nghệ đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm ngành nghề nông thôn.

- Chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường làng nghề, khuyến khích phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp ở nông thôn và lồng ghép trong xây dựng nông thôn mới.

2. Nhiệm vụ và giải pháp

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 1911/KH-UBND ngày 24/9/2024 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 2986/KH-UBND ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh về Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 01/3/2024 của UBND tỉnh về Kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025; duy trì, củng cố 58 làng nghề, làng nghề truyền thống hiện đang hoạt động và khuyến khích phát triển làng nghề mới.

- Chú trọng các giải pháp nâng cao nhận thức (tuyên truyền trên truyền hình, báo,…) của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển ngành nghề nông thôn; công tác bảo tồn và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường làng nghề.

- Rà soát, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, bộ phận nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm nhằm tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề tiêu biểu đặc sắc của địa phương.

- Hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề (chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh) nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh.

- Khuyến khích các cơ sở đầu tư cải tiến công nghệ, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường; triển khai thực hiện công tác khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng ứng dụng khoa học kỹ thuật và cải tiến công nghệ.

- Đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai Phương án bảo vệ môi trường làng nghề bảo đảm đến hết năm 2024 các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

- Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, cải thiện môi trường, hạn chế tối đa các hoạt động gây suy giảm môi trường, khuyến khích phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp ở nông thôn.

- Sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hóa cũng như lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình, dự án để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề.

VI. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển làng nghề theo các Kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành.

2. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn có làng nghề xây dựng án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường. Ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách của địa phương và các nguồn tài chính khác cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.

3. Đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn triển khai xây dựngphương án bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề, đặc biệt là các làng nghề đã lập phương án bảo vệ môi trường theo quy định.

Sở Nông nghiệp & PTNT trân trọng báo cáo./. 

Chi cục Phát triển nông thôn