Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn
Báo cáo số 573/BC-SNN ngày 20/12/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT về Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Thực hiện Công văn số 2505/UBND-TH ngày 27/11/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc xây dựng báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết, Chương trình chuyên đề của Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 15) như sau:

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025

I- NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1- Thuận lợi

- Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện về xúc tiến đầu tư, giới thiệu doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm sản xuất để triển khai thực hiện.

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với các địa phương được đẩy mạnh.

- Sự phát triển về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua là động lực thúc đẩy hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước được đầu tư, hoàn thiện.

2- Khó khăn

- Thời tiết khí hậu diễn biến bất thường như: hạn hán, rét đậm, rét hại, mưa lũ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.

- Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp như: dịch chuột, lúa cỏ xuất hiện gây hại trên đồng ruộng, đặc biệt dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác ngày một mạnh mẽ, một bộ phận nông dân không quan tâm nhiều đến đồng ruộng.

          - Diện tích đất sản xuất trồng trọt có xu hướng giảm nhiều trong những năm qua. Nguồn kinh phí bố trí cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng nông thôn còn ở mức độ nhất định.

II- CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1- Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền

Ngay sau khi Nghị quyết 15 được ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, kế hoạch đến các Sở, ngành địa phương tại các hội nghị. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức quán triệt, triển khai đến các cán bộ, công chức trong Ngành để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch các giải pháp chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả theo mục tiêu của Nghị quyết đề ra.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến tạo đồng thuận cao khi thực hiện Kế hoạch, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với việc tái cơ cấu mùa vụ, đối tượng và hình thức tổ chức sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, tăng thu nhập cho người dân. 

2- Công tác xây dựng kế hoạch, đề án, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết

Ngay sau khi Nghị quyết 15 được ban hành, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch, Quyết định hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, cụ thể như: Kế hoạch số 3724/KH-UBND ngày 31/12/2021 thực hiện Nghị quyết 15 (viết tắt là Kế hoạch 3724); Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 27/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam…[1]

Bên cạnh đó, với sự phối hợp của các Sở, ban ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách, Chương trình hành động góp phần không nhỏ vào thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, cụ thể như: các cơ chế chính sách xúc tiến thương mại góp phần hỗ trợ quảng bá tiêu thụ các sản phẩm nông sản;[2] Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn;[3] công tác bảo vệ môi trường nông thôn;[4] thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp;[5] ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất;[6]

Tham mưu với UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, chương trình, như: Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 về ban hành quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Nghị quyết số 22/2022/HĐND ngày 29/8/2022 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam...[7]

Tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Chương trình, Đề án, Kế hoạch cụ thể để tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả[8].

3. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết

Công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, từ đó đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Chương trình kiểm tra như: kiểm tra thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn; kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các vật tư nông nghiệp, nông sản; kiểm tra các hoạt động của hệ thống đê điều, thuỷ lợi; kiểm tra công tác bảo vệ rừng; kiểm tra tiến độ và hiệu quả các chương trình đề án;…

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT được Ban thường vụ Tỉnh uỷ tiến hành giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 đối với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 664-QĐ/TU ngày 08/5/2023. Trên cơ sở kết quả giám sát tại Thông báo số 849-TB/TU ngày 13/10/2023 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiêm túc tiếp thu và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm tồn tại đã được chỉ ra trong thông báo, đã xây dựng Kế hoạch số 45/KH-SNN ngày 17/11/2023 về Khắc phục hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và triển khai tới các phòng ban đơn vị trong Sở nghiêm túc thực hiện. Ngày 30/10/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Báo cáo số 471/BC-SNN về kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15.

III- KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT GIAI ĐOẠN 2021-2025

1- Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết

- Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2024 tăng 1,44 %[9]/năm; dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 1,53%/năm (Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 1,9%).

- Cơ cấu nội bộ ngành đã chuyển dịch theo đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp, cụ thể năm 2024: Trồng trọt - lâm nghiệp 35,9%, chăn nuôi - thuỷ sản 56,1%, dịch vụ nông nghiệp 8%[10]; Ước năm 2025 Trồng trọt - lâm nghiệp 35,0 %, chăn nuôi - thuỷ sản 55,0%, dịch vụ nông nghiệp 10% (Mục tiêu năm 2025: Trồng trọt - lâm nghiệp 35%; chăn nuôi - thủy sản 55%, dịch vụ nông nghiệp 10%); Giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác năm 2024 đạt 143 triệu đồng/ha[11]; Ước giá trị sản phẩm/đơn vị canh tác năm 2025 đạt 150 triệu đồng/ha (Mục tiêu đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/ha).

- Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch: 857,48 ha/51.112 ha đạt 1,68 %; dự kiến năm 2025 đạt trên 1,7% (Mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,5 -2%). Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ 43.832 tấn/118.807 tấn: đạt 36,9%; dự kiến năm 2025 đạt trên 25 % (Mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 25%). Tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học 34.638,9kg/175.786,6 kg đạt 19,7%; dự kiến năm 2025 đạt trên 30%  (Mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 30%).

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết ước năm 2025 đạt 35% (Mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 35%).

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa năm 2024: làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt 97,5%; gieo trồng đạt 55%[12]; bảo quản, chế biến nông sản đạt 45%[13]; ước năm 2025: làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt 97,5%; gieo trồng đạt 60%; bảo quản, chế biến nông sản đạt 50% (Mục tiêu đến năm 2025: thu hoạch đạt 90%, gieo trồng đạt 60%, bảo quản chế biến đạt 50%).

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội năm 2024 đạt 17,9%; ước năm 2025 giảm còn 17%[14] (Mục tiêu đến năm 2025 còn dưới 20%). Tỷ lệ nông nghiệp được đào tạo năm 2024 đạt 67,7%, ước năm 2025 đạt 70,5% (Mục tiêu đến năm 2025 đạt 55%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2024 đạt 68,6 triệu đồng/năm[15]; năm 2025 ước đạt 75 triệu đồng/năm. (Mục tiêu tăng 1,5 lần so với năm 2020).

- Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 100%; trong đó tỷ lện dân số nông thôn được cấp nước sạch từ các nhà máy tập trung ước đạt 91%[16]. Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó sử dụng nước sạch từ các nhà máy cung cấp nước sạch tập trung là 92%) (Mục tiêu đến năm 2025: tương ứng là 100% và 90%).

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao lũy kế đến năm 2024 là: 50/65 xã;  Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 52/65 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Bình Lục đạt chuẩn NTM nâng cao[17].

2- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

2.1- Cơ cấu lại theo sản phẩm chủ lực và lĩnh vực sản xuất

a. Lĩnh vực Trồng trọt – lâm nghiệp

- Đối với cây lúa: Diện tích gieo trồng đạt 56.030,35 ha, sản lượng ước đạt 337.713,5 tấn[18]. Đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh trước đây cơ cấu chỉ tập trung vào các giống lúa lai có năng suất cao, sản lượng lớn nay đã chuyển dịch dần sang các giống lúa hàng hóa, chất lượng có giá trị thu nhập cao. Năm 2024 diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao ước đạt 28.115,76 ha bằng 50,2 % diện tích, tăng 7,6 % so với năm 2020, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với lúa thường.

- Đối với cây rau, củ, quả: Diện tích gieo trồng ước đạt 8.276,91 ha/năm giảm 370,5 ha (tương đương -4,3%) so với năm 2020, sản lượng đạt 159.369,4 tấn/năm tăng 557,8 tấn so với năm 2020. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường được duy trì và từng bước mở rộng như dưa chuột xuất khẩu, rau ăn lá, bí xanh góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và nâng cao giá trị trên diện tích canh tác[19].

- Đối với cây ăn quả: Diện tích sản xuất đạt 6.425,0 ha tăng 490,3 ha so với năm 2020; sản lượng: 46.534,85 tấn tăng 6.061,05 tấn so với năm 2020. Hiện nay với các diện tích trồng tập trung cây ăn quả đã được người dân thay thế các giống cũ hiệu quả thấp bằng các giống cây trồng có năng suất và giá trị cao như giống vải u trứng, giống ổi Đài Loan, giống bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi thồ, giống nhãn đường phèn, nhãn lồng, giống táo đại... với diện tích khoảng 700 ha, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên ha đất nông nghiệp.

- Kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa: Giai đoạn 2019 -2024 chuyển đổi được 1.205,71/3.741,5 ha đạt 32,2%; trong đó diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm là 512,2/1586,57 ha đạt 32,3%; diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 693,46/2.154,93 ha đạt 32,2%. Đa số những vùng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi trồng thủy sản đã khẳng định được giá trị sản xuất/ha đất canh tác cao hơn gấp 1,5 - 2 lần trở lên so với trước chuyển đổi.

- Đối với lâm nghiệp: Trên đất quy hoạch phát triển rừng đã trồng lại rừng sau khai thác khoảng 20 ha; khoán bảo vệ 2.935,1 ha, chăm sóc 645 ha; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,26%; trồng mới 1.041,9 nghìn cây phân tán đạt 94,72% so với kế hoạch năm 2024; thường xuyên tổ chức đi tuần tra bảo vệ rừng; kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện các quy định về pháp luật lâm nghiệp.

b. Lĩnh vực chăn nuôi

Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn dao động từ 370-380 nghìn con, năm 2024 ước đạt 375 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng dần, năm 2021 đạt 70.636 tấn; năm 2024 ước đạt 72.050 tấn; năm 2025 ước đạt 72.250 tấn, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch; cơ cấu sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) giảm dần: năm 2021 chiếm 73,7%; năm 2024 chiếm khoảng 72,27%; năm 2025 chiếm 72,17%.

Hiện nay, tỷ lệ đàn lợn nuôi theo hình thức trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đạt khoảng 70% về tổng đàn và 80% về tổng sản lượng, bằng 100% so với chỉ tiêu của kế hoạch thực hiện. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi lợn được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 34,5%, bằng 98,5% so với chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025. Đàn lợn được nuôi tập trung tại hai huyện trọng điểm là Lý Nhân và Bình Lục, chiếm khoảng 68% tổng đàn toàn tỉnh.

Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm dao động từ 8,5-8,9 triệu con, đạt 97,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 22.753 tấn; năm 2024 đạt 25.047 tấn; năm 2025 ước đạt 25.200 tấn (tăng 0,8% so với kế hoạch), chiếm 25,17% trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại. Tỷ trọng chăn nuôi gia cầm chiếm khoảng 35,5% trong tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại và chăn nuôi chuyên nghiệp chiếm khoảng 57% về tổng đàn và chiếm trên 68% về tổng sản lượng, vượt chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi gia cầm được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 34,6%, bằng 98,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025. Đàn gia cầm cũng được nuôi tập trung chủ yếu tại hai huyện trọng điểm là Lý Nhân và Bình Lục, chiếm khoảng 60% tổng đàn toàn tỉnh. Cơ cấu sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) tăng dần.

Chăn nuôi trâu bò: Tổng đàn dao động từ 36.450 – 36.600 con, đạt 93,85% so với chỉ tiêu Nghị quyết (đàn trâu khoảng 3.600 con, đàn bò thịt khoảng 33.000 con, trong đó đàn bò sữa khoảng 4.400 con, đạt 88% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Tổng sản lượng thịt trâu bò hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 2.453 tấn, năm 2024 ước đạt 2.607 tấn; năm 2025 ước đạt 2.650 tấn đạt 96,36% so với kế hoạch; sản lượng sữa tươi năm 2021 đạt 9.335 tấn, năm 2024 ước đạt 11.600 tấn; năm 2025 ước đạt 12.000 tấn đạt đạt 96% so với chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tỷ trọng chăn nuôi trâu bò đạt khoảng 4,4% trong tổng giá trị ngành chăn nuôi.

Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) năm 2021 đạt 95.842 tấn, năm 2024 ước đạt 99.700 tấn, năm 2025 ước đạt 100.100 tấn tăng 0,1% so với chỉ tiêu Kế hoạch số 3724 đến năm 2025.

c. Lĩnh vực thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước khoảng 5.550 ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 24.474 tấn, sản lượng năm 2024 ước đạt 24.900 tấn; năm 2025 ước đạt 25.600 tấn tăng 4,6% so với năm 2021 và đạt đạt 96,6% so với chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Nghị quyết.

Toàn tỉnh hiện có 555 lồng nuôi cá trên sông Hồng với tổng thể tích khoảng 60.720m3, giảm 15 lồng nuôi so với năm 2021. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng, cá rô phi, cá chép lai, cá chép giòn, cá ngạnh...Năng suất đạt từ 2,5-6,5 tấn/lồng nuôi tùy từng đối tượng. Các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao" tiếp tục được duy trì sản xuất với đối tượng nuôi là cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, trắm đen, chép lai, cá lăng đen, năng suất bình quân đạt khoảng 7 - 15 tấn/bể nuôi tùy theo đối tượng. Hình thành một chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng tại HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng), góp phần nâng cao năng suất, giá trị trên ha canh tác theo đúng chủ trương, định hướng đề ra.

d. Ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 754,07 ha đang sản xuất ứng dụng công nghệ cao và sản xuất sạch, an toàn, trong đó:

- Trong khu nông nghiệp ứng dụng cao: Tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000 cho 4 khu nông nghiệp ứng dụng cao (Khu Xuân Khê - Nhân Bình; Nhân Khang; Phù Vân; Đồng Du) với diện tích là 496,9ha, trong đó diện tích đất đã tích tụ đưa vào triển khai sản xuất là 224,12ha. Kết quả: Giá trị sản xuất đạt bình quân 0,5-3 tỷ đồng/ha/năm, tuỳ theo từng khu và loại cây trồng khác nhau với các sản phẩm đa dạng (dưa lưới, bí, dưa chuột, cà chua, ngô, rau các loại…). Sản phẩm rau, củ quả sạch tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Winmart, Winmart++, Aeon ....

- Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn (sản xuất nông sản an toàn, VietGAP ...): Xây dựng 08 mô hình nhà kính, 13 mô hình nhà màn, 03 hệ thống tưới với diện tích 36.437 m2 (mỗi mô hình 500-1000m2 sản xuất rau củ quả các loại). Giá trị, hiệu quả kinh tế của các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gấp 3 – 4 lần so với sản xuất đại trà. Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch có 526,31ha, trong đó ( diện tích sản xuất VietGAP và tương đương: 207,81ha; Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch 318,5 ha).

- Chăn nuôi lợn hiện nay có 01 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty TNHH Lợn giống Dabaco Hà Nam. Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi hiện nay được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất như: Hệ thống làm mát, máng ăn tự động,… cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

- Trong thủy sản phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ theo hướng bền vững, cụ thể như: nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ Sông trong Ao (19 mô hình), cá được nuôi trong máng nước chảy tuần hoàn, có hệ thống thu gom và xử lý chất thải, cá nuôi không tiếp xúc với bùn nên chất lượng thịt thơm ngon hơn phương pháp nuôi truyền thống.

2.2. Đẩy mạnh cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ nông sản:

a, Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

- Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Ước năm 2025 tỉ lệ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp (cơ giới hóa trong sản xuất lúa): làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt 97,5%; gieo trồng đạt 60% (áp dụng mô hình cấy lúa bằng máy sử dụng giàn gieo tự động đạt khoảng 16%, còn lại là sử dụng dụng cụ gieo xạ, máy cấy loại có mã lực nhỏ); bảo quản, chế biến nông sản đạt 50%, tăng so với năm 2020[20].

- Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2201/KH-UBND ngày 13/11/2023 về hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp năm 2023. Số lượng máy, thiết bị đủ điều kiện hỗ trợ là 23 máy, thiết bị[21].

- Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1296/KH-UBND ngày 9/7/2024 về hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024. Số lượng máy, thiết bị đề nghị hỗ trợ là 43 máy, thiết bị[22].

b, Phát triển thị trường nông sản

Làm cầu nối để gắn kết các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành và phát triển các chuỗi rau quả, thịt, thuỷ sản chế biến đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND ngày 23/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn tăng 27% so với năm 2021.

Tích cực hỗ trợ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hà Nam đến với người mua, người tiêu dùng tại các Hội chợ trong nước như Hà Nội, Thái Bình, Hoà Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Cần Thơ, Thành Phố Hồ Chí Minh,…và Hội chợ mang tầm quốc tế. Đây là dịp để giới thiệu nhiều loại nông sản thực phẩm của tỉnh Hà Nam đến với người tiêu dùng. Sản phẩm trưng bày là các sản phẩm tiêu biểu, đặc sản như Cá kho làng Vũ đại, chuối ngự Đại Hoàng, các sản phẩm chủ lực: rau quả tươi, rau quả chế biến, bánh đa, sữa, bưởi,… và các sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến; được các phương tiện truyền thông như Thông tấn xã Việt Nam, truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nam, Đài phát thanh và truyển hình tại các địa phương đưa tin.

Phối hợp với đơn vị có liên quan thuộc các tỉnh, thành phố tổ chức đoàn tham quan xúc tiến thương mại, ký kết chương trình phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại nông lâm thuỷ sản với Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Hồ Chí Minh… Thông qua đó cán bộ làm chuyên môn, doanh nghiệp, hợp tác xã nắm được thông tin kiến thức, nhu cầu thị trường các tỉnh để phối hợp kết nối, cung ứng, xây dựng và quản lý các chuỗi liên tỉnh.

Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, thủy sản của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Voso, Postmart,...Đến nay, đã hỗ trợ 95 cơ sở sản xuất nông sản đưa 415 sản phẩm lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam https://hna.check.net.vn/.

2.3. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT; Bảo tồn phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm

a. Lĩnh vực Kinh tế hợp tác

- Giai đoạn 2021-2025, số HTX trên địa bàn tỉnh tăng so với năm 2020 là 25 HTX. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 260 HTXNN (150 HTXNN chuyển đổi và 110 HTXNN thành lập mới theo Luật HTX năm 2012).

- Kết quả đánh giá, xếp loại HTXNN (150 HTXNN chuyển đổi) theo Thông tư 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau: 54 HTX xếp loại tốt, chiếm 36%; 66 HTX xếp loại khá, chiếm 44%; 29 HTX xếp loại trung bình, chiếm 19,33% và có 01 HTX xếp loại yếu (HTXNN An Thái) chiếm 0,67%.

- Hoạt động của các HTXNN chuyển đổi, đã và đang hoạt động ngày càng có hiệu quả với số dịch vụ bình quân mỗi HTX đảm nhận 4 - 5 dịch vụ (thủy nông mặt ruộng, thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, làm đất.., một số HTX ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản cho thành viên).

* Tình hình liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTXNN:

- Số HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên khoảng 60 HTX (10 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất). Sản phẩm liên kết sản xuất, tiêu thụ chủ yếu là Lúa, Gạo, rau sạch; ngô, bí các loại; Nho mẫu đơn, nho hạ đen, thủy sản, bò sữa, gia cầm….và có 60 HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

- Một số HTXNN tiêu biểu tại địa phương: HTX công nghệ cao Thanh Hà chuyên sản xuất rau mầm tại xã Đồng Du với diện tích 19,5 ha; HTX công nghệ cao xã Đồng Du, huyện Bình Lục chuyên sản xuất Nho các loại, Thanh Long, Bưởi với tổng diện tích 05 ha theo quy trình VietGap; HTXNN La Sơn, xã La Sơn, huyện Bình Lục sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 10 ha (sản xuất lúa ST25); HTXNN Hưng Đông, xã Hưng Công, huyện Bình Lục liên kết với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình sản xuất 70ha lúa hàng hoá MAD2; HTXNN An Bài, xã Đồng Du, huyện Bình Lục liên kết với Công ty giống cây trồng Trung ương sản xuất giống lúa Thiên ưu 8 diện tích 35 ha; HTXNN Thôn Nội, xã Đồng Du, huyện Bình Lục liên kết với Công ty giống cây trồng Trung ương sản xuất giống lúa Nếp 97 diện tích 10 ha...

- Đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao). Dự kiến đến hết năm 2024 công nhận thêm 11 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP là 157 sản phẩm.

b. Bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 làng nghề được công nhận đang hoạt động (trong đó có 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề).

- Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề là 7.785 cơ sở (7.658 hộ gia đình, 122 doanh nghiệp và 5 HTX); giải quyết việc làm cho khoảng 16.467 lao động (trong đó thường xuyên là 13.039 lao động, số nghệ nhân là 13 nghệ nhân); thu nhập bình quân đạt khoảng 5,71 triệu đồng/lao động/tháng.

- Kết quả thực hiện các tiêu chí làng nghề: Có 53/58 làng nghề đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ số hộ trên địa bàn (tỷ lệ số hộ tham gia ngành nghề trong làng nghề đảm bảo đạt từ 20%); có 19/58 làng nghề có phương án Bảo vệ môi trường được UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt (chiếm 32,8%); có 58/58 làng nghề đảm bảo tiêu chí về hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 100%).

- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông (báo, tạp chí, đài truyền hình tỉnh) tổ chức tuyên truyền, phổ biến về bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh.

2.4. Đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa

a. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

- Hiện nay, toàn tỉnh Hà Nam có 83 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó 48 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu).

- Thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 14/11/2024 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hà Nam còn 65 xã. Trong đó:

+ Có 40 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (25 xã nông thôn mới nâng cao và 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu)

+ Có 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 Do đó, dự kiến đến hết năm 2024 công nhận thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như vậy đến hết năm 2024 lũy kế xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là 50 xã và năm 2025 dự kiến công nhận thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến hết năm 2025 là 52/65 xã, đạt 80%.

Huyện Bình Lục đang tích cực triển khai, thực hiện Đề án huyện nông thôn mới nâng cao đã được UBND tỉnh phê duyệt (đạt chuẩn 7/9 tiêu chí, 33/36 chỉ tiêu huyện NTM; 4/9 tiêu chí, 29/38 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao), phấn đấu năm 2025 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành và địa phương chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức, đặc biệt các cấp Hội thường xuyên phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Nhiều mô hình trong xây dựng NTM được xây dựng và nhận rộng như: mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, mô hình tuyến hoa, cây xanh; mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm đảm bảo cảnh quan, môi trường trong khu dân cư, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, trường học, khu dân cư… tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng cổng làng, lắp camera an ninh trên các tuyến đường và phong trào hiến đất làm đường…

- Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm. Các Sở, ngành phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát, thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

- Hạ tầng kinh tế - xã hội được các địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cấp, làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định, đến nay cơ bản các xã đã thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và đã, đang hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao đảm bảo bền vững.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí và đến nay cơ bản đã đáp ứng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, NTM nâng cao và quy định NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

b. Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm

- Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao). Dự kiến đến hết năm 2024 công nhận thêm 11 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP là 157 sản phẩm. Năm 2025 phấn đấu có khoảng 20 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên từ 170 -175 sản phẩm.

- Trong số các sản phẩm OCOP đã được công nhận có một số sản phẩm là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: chuối ngự Đại Hoàng, Cá kho Nhân Hậu và 26 sản phẩm thuộc 9 làng nghề truyền thống đã được công nhận sản phẩm OCOP: Làng nghề truyền thống thêu ren An Hòa (3 sản phẩm), Làng nghề truyền thống làm nón lá Bói Hạ (1 sản phẩm), Làng nghề truyền thống Mây giang đan Ngọc Động (1 sản phẩm), Làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá (9 sản phẩm), Làng nghề truyền thống trống Đọi Tam (4 sản phẩm), Làng nghề truyền thống rượu bèo thôn Thượng (1 sản phẩm), Làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành (3 sản phẩm), Làng nghề truyền thống bánh đa nem làng Chều (1 sản phẩm), Làng nghề truyền thống rượu Vọc (3 sản phẩm).

- Các sản phẩm OCOP được phân hạng đã đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên sau khi được công nhận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên được nhiều người tiêu dùng biết đến như các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; Bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam…. sản lượng và doanh thu bán hàng đều tăng lên so với trước khi công nhận sản phẩm OCOP.

- Một số sản phẩm đã được đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị Vinmart như các loại rau sạch HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân, HTX Nông sản Cát Lại, sản phẩm sữa của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, Bánh đa nem làng Chều, sản phẩm chế biến từ cá của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sản phẩm của Chi nhánh Công ty CP thực phẩm Mai Chi tại Hà Nam đã vào hệ thống siêu thị Thành Đô, chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Sói Biển, sản phẩm dưa chuột thái lát Công ty TNHH Senfood xuất khẩu sang Hàn Quốc, sản phẩm Trứng gà thảo dược Saschi, Gà mía thảo dược thịt tươi nhãn hiệu Saschi của Công ty Cổ phần Go Fresh Việt Nam…

3- Đánh giá chung              

3.1- Những ưu điểm nổi bật

- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức triển khai thực hiện Nghị quyết 15 và Kế hoạch 3724, đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp từ phương thức truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường. Tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất tăng cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.

- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chương trình: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nông thôn... góp phần không nhỏ thay đổi diện mạo hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, tăng thu nhập của người dân.

- Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng thực hiện. Từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về các chủ trương, chính sách đặc biệt là nội dung của Nghị quyết 15 và các văn bản chỉ đạo liên quan nhằm tạo sự đồng tình hưởng ứng của toàn đảng, toàn dân trong tỉnh cùng tham gia thực hiện.

3.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

3.2.1. Những tồn tại, hạn chế

- Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương chưa đồng bộ. Việc huy động nguồn lực để triển khai thực hiện đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của một số xã còn gặp nhiều khó khăn nên tiến độ thực hiện đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí còn chậm so với kế hoạch.

- Nguồn vốn phân bổ để triển khai thực hiện các hoạt động phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm đôi khi chưa kịp thời do đó ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Việc triển khai một số chương trình, đề án đôi lúc còn chậm.

- Một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP quy mô sản xuất còn nhỏ, sự liên kết sản xuất, tiêu thụ chưa bền vững. Chủ cơ sở sản xuất chưa quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

- Hoạt động của các HTXNN hiệu quả chưa cao, chưa có tính thuyết phục, chưa thể hiện rõ tính ưu biệt của kinh tế tập thể, HTX;

- Công tác thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chưa có tính cạnh tranh cao.

- Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phụ nữ và người trung tuổi, trình độ học vấn không cao; lao động thường xuyên tham gia sản xuất kinh doanh trong các làng nghề có xu hướng giảm và một số làng nghề đang có nguy cơ bị mai một.

- Năng lực quản lý và khả năng tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của chủ cơ sở trong các làng nghề còn hạn chế; trình độ tay nghề của lao động chưa cao, năng suất lao động còn thấp; nhiều sản phẩm làng nghề chưa xây dựng thương hiệu; một số sản phẩm làng nghề được xuất khẩu tuy nhiên xuất khẩu chủ yếu qua khâu trung gian. Công tác xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định còn chậm, công trình bảo về môi trường còn ít; xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề chưa triệt để, tình trạng xả thải ra hệ thống tiêu nước chung gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra.

3.2.2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Ruộng đất manh mún nhỏ lẻ, hạ tầng chưa đồng bộ nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa còn hạn chế. Một số địa phương chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong nhân dân.

- Việc ban hành một số chương trình, đề án đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết đôi khi chưa kịp thời. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nhất là về việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một số cấp ủy, chính quyền địa phương đôi khi chỉ đạo chưa quyết liệt nên kết quả chưa đáp ứng được tiến độ, yêu cầu.

- Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sản xuất thủ công, bán thủ công, thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Chủ thể tham gia Chương trình OCOP chưa quan tâm các tiêu chuẩn chất lượng cao, tem nhãn, đầu tư về khoa học công nghệ, kiến thức thị trường.

- Năng lực chỉ đạo điều hành của nhiều HTXDVNN còn yếu, chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh kém; vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và lạc hậu.

- Sản xuất nông nghiệp có mức độ đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, thị trường tiêu thụ bấp bênh, mức độ rủi ro cao vì vậy rất khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gia tăng theo chiều hướng xấu, dịch bệnh trên cây trồng và đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp.

- Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm giảm diện tích đất nông nghiệp; lao động trong khu vực nông nghiệp ngày càng giảm do chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; một bộ phận nông dân không quan tâm với sản xuất nông nghiệp, thậm chí bỏ ruộng hoang không canh tác.

- Công tác quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề của một số địa phương chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho phát triển ngành nghề, làng nghề còn hạn chế; thu nhập từ làng nghề còn thấp và không ổn định nên nhiều hộ không còn tha thiết với nghề dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề đang có chiều hướng gia tăng; nguyên liệu của một số nhóm ngành nghề như dệt may, mây tre đan, trống, sản xuất đồ gỗ, sừng tại địa phương đa số nhập nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu.

- Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ, nằm xen kẹp trong khu dân cư khó có khả năng mở rộng sản xuất cũng như gây khó khăn trong công tác xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh môi trường của các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh trong một số làng nghề còn hạn chế.

3.3. Bài học kinh nghiệm

Một là, phát huy việc vận dụng sáng tạo và linh hoạt các chủ trương, chính sách và xây dựng sự tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương.

Hai là, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc, tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ba là, sản xuất nông nghiệp hàng hóa cần gắn vùng sản xuất nguyên liệu tập trung với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Với yêu cầu của sản xuất hàng hóa, đòi hỏi cần có số lượng sản phẩm lớn và chất lượng đồng đều. Do đó, sản xuất nông nghiệp cần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Bốn là, trong quá trình triển khai cần thực hiện lồng ghép có hiệu quả và đồng bộ các chương trình, dự án, kết hợp giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân với quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa xã hội và môi trường theo quy hoạch và xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Năm là, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân để có giải pháp tháo gỡ kịp thời đảm bảo hài hòa lợi ích; lựa chọn những nội dung công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của nhân dân từng địa phương.

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP NHIỆM KỲ 2025-2030

​I- PHƯƠNG HƯỚNG

Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh; gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững. Thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với việc nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với quá trình đô thị hóa góp phần xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2025 - 2030 tăng bình quân 1,5%/năm (giá SS 2010).

- Cơ cấu nội bộ ngành: chăn nuôi - thủy sản chiếm 58%, trồng trọt - lâm nghiệp chiếm 30%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 12%; giá trị sản phẩm/đơn vị diện tích đất canh tác gấp 1,3 lần so với năm 2025.

- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa: thu hoạch đạt 99% gieo trồng đạt 70%, bảo quản chế biến đạt 60%.

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó sử dụng nước sạch từ các nhà máy cung cấp nước sạch tập trung là 95%).

- Có 80% số xã trở lên nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và và từ 2 đến 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu theo quy định của Chính phủ.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

- Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin tuyên truyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông thôn mới và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; đảm bảo sử dụng có hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bố trí quỹ đất phục vụ phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm chủ lực, phát huy lợi thế sản phẩm, lợi thế vùng. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã dồn đổi, tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng, lúa dành cho chế biến; sản xuất sản phẩm trồng trọt có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất: Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường đặc biệt là các cây trồng vật nuôi, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh việc dồn đổi, tập trung đất đai để áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản chế biến. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các khu chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng sản xuất lúa, rau, củ, quả hữu cơ, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn VietGap, Globalgap; khuyến khích áp dụng công nghệ trong xử lý bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi giá trị; kết nối đồng bộ với các ngành và lĩnh vực khác để từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đặc biệt là nâng cao năng lực tiếp cận thị trường nông sản và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, huy động các nguồn lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trên đây là báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp & PTNT trân trọng báo cáo.

Phòng Kế hoạch Tài chính