Phần I
TÓM TẮT DỰ ÁN
1. Tên dự án: “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm".
2. Cấp quản lý: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam
3. Cơ quan chủ trì dự án: Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam
4. Đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm Khuyến nông Hà Nam
5. Đơn vị phối hợp thực hiện:
- Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm.
- HTX nông nghiệp thuộc các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
6. Thời gian thực hiện: Từ tháng 02 đến tháng 6 năm 2024
7. Tổng kinh phí : 1.966.800.000 đ.
(Một tỷ chín trăm sáu mươi sáu triệu tám trăm nghìn đồng./.).
Trong đó: - Kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 600.000.000 đ.
- Kinh phí của HTX và nông dân: 1.366.800.000 đ.
Phần II
SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ, MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT
Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi cùng chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, để người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết. Mặt khác sản phẩm lúa-gạo an toàn đang là sự quan tâm đặc biệt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, vì nó góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, hội nhập nông sản quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Sản xuất lúa-gạo an toàn phải đảm bảo ba yêu cầu: An toàn cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng.
Hà Nam có tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh gần 58.000 ha/năm; sản lượng trên 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất trồng trọt (theo giá SS 2010). Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đạt 100%, khâu cấy máy đạt trên 16% diện tích, khâu phun thuốc BVTV bằng máy bay không người đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa đạt 90%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.
Thực hiện cơ giới hóa là yêu cầu quan trọng đặt ra, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Vì thế, cần thiết có sự triển khai đồng bộ máy móc, thiết bị ở tất cả các khâu. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt trên 90%, gieo trồng đạt 60%, bảo quản chế biến đạt 50%... hướng đi này sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch
Xuất phát từ những lý do trên, Trung tâm Khuyến nông đề xuất dự án “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" để hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tạo ra sản phẩm an toàn giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua đó tăng hiệu quả kinh tế và tạo hướng đi mới bền vững cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
2. Thông tư số 75/2019/TT-BTC, ngày 04/11/2019 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;
3. Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh về ban hành quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
4. Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, ngày 20/4/2022 của HĐND tỉnh Hà Nam về việc Ban hành quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
5. Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND, ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
6. Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Hà Nam về việc Sửa đổi một số nội dung Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 14/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
7. Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND, ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh về nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
8. Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND, ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
9. Quyết định số 1305/QĐ-UBND, ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024; Quyết định số 206/QĐ-UBND, ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024;
10. Quyết định số 187/QĐ-SNN, ngày 28/12/2023 của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam về việc giao dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024.
III. MỤC TIÊU
1. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các giải pháp KHCN trong sản xuất lúa…, giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào, góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Phần III
NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN
I. QUY MÔ, ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN THỰC HIỆN
Stt | Địa điểm triển khai | Quy mô (ha) | Dự kiến số hộ tham gia | Thời gian triển khai |
1 | HTX NN Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân | 20 | 120 | Tháng 2-6/2024 |
2 | HTX DVNN Thôn Nội, xã Đồng Du, huyện Bình Lục | 20 | 120 | Tháng 2-6/2024 |
3 | HTX DVNN Liêm Cần, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm | 20 | 120 | Tháng 2-6/2024 |
Tổng cộng | | 60 | 360 | |
II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
Stt | Nội dung thực hiện | Thời gian thực hiện |
1 | Xây dựng đề cương chi tiết của dự án | Tháng 01/2024 |
2 | Thực hiện dự án | Từ tháng 2 đến tháng 6/2024 |
3 | Sơ kết đánh giá mô hình dự án | Tháng 4/2024 |
4 | Báo cáo kết quả thực hiện dự án | Tháng 6/2024 |
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Lựa chọn điểm tham gia mô hình
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT; UBND xã chọn địa điểm triển khai mô hình:
- Tiêu chí lựa chọn địa điểm để triển khai xây dựng mô hình là vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp và có truyền thống sản xuất lúa... diện tích gọn vùng, gọn thửa, có khả năng nhân rộng để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở, doanh nghiệp.
- Tiêu chí chọn hộ, hợp tác xã: là đơn vị tự nguyện tham gia xây dựng mô hình, có diện tích sản xuất lúa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để triển khai thực hiện mô hình; có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cam kết có đủ điều kiện về vốn, nguồn nhân lực... đảm bảo để đầu tư thực hiện mô hình. Từ kết quả thực tế chủ động duy trì, mở rộng quy mô sau khi kết thúc dự án và tuyên truyền cho các hộ nông dân khác tại địa phương cùng thực hiện.
2. Tập huấn kỹ thuật
- Cơ quan chuyển giao: Trung tâm Khuyến nông phối hợp với đơn vị cấp chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật.
- Nội dung chuyển giao: Trồng và chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững.
- Đối tượng chuyển giao: các xã viên HTX, nông dân tham gia mô hình, nông dân ngoài mô hình có nhu cầu tiếp nhận kỹ thuật và đại diện cán bộ địa phương, khuyến nông viên cơ sở và một số hộ nông dân tiêu biểu khác…
3. Tổ chức hội nghị tham quan, sơ kết, tổng kết
Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam sẽ tổ chức các buổi hội nghị, như:
- Hội nghị Tham quan, hội thảo mô hình nhằm tuyên truyền nhân rộng mô hình: 01hội nghị cho 100 hộ dân.
- Hội nghị Sơ kết, Tổng kết nhằm đánh giá những mặt thuận lợi, khó khăn và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để tiếp tục triển khai Dự án đạt hiệu quả cao hơn: 01 hội nghị sơ kết với 100 hộ dân; 01 hội nghị Tổng kết với 120 hộ dân.
4. Quản lý, kiểm tra
Trong suốt quá trình triển khai Dự án, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện của Dự án trên cơ sở đó có sự điều chỉnh kịp thời đảm bảo hiệu quả của Dự án.
5. Tổ chức nghiệm thu
Nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí mô hình theo quy định sau khi kết thúc triển khai và đánh giá được kết quả.
6. Các chỉ tiêu theo dõi
- Thời gian sinh trưởng
- Khả năng chống chịu sâu, bệnh
- Đánh giá năng suất
- Hiệu quả kinh tế.
IV. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giải pháp về kỹ thuật
a. Bố trí thời vụ
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp PTNT các huyện, các HTX triển khai xây dựng lịch gieo cấy cụ thể cho các vùng sản xuất, dựa trên lịch gieo cấy của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam. Trên cơ sở đó để chủ động kế hoạch và ký hợp đồng với các tổ dịch vụ làm đất, cấy máy…
b. Quy trình kỹ thuật (Phụ lục 3)
Trung tâm Khuyến nông Hà Nam phối hợp cùng đơn vị cung cấp dịch vụ cấp chứng nhận để chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho các địa phương.
- Đối với khâu làm đất: phối hợp với ban quản trị HTX tại các xã triển khai mô hình ký kết với các tổ dịch vụ để chủ động làm đất theo thời vụ.
- Đối với khâu làm mạ và cấy máy: Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các HTX tìm các tổ dịch vụ làm mạ khay, cấy máy trên địa bàn tỉnh như: xã Liêm Phong, An Đổ, Đạo Lý, Tân Sơn, TT Tân Thanh, Thanh Tân, Thanh Thủy….
- Đối với phun thuốc phòng trừ sâu bệnh: Hỗ trợ tìm các đơn vị cung cấp thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, tổ dịch vụ tại huyện Thanh Liêm; Công ty CP Đại Thành, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời…
- Đối với khâu thu hoạch: phối hợp với HTX chủ động tìm các tổ máy gặt uy tín, giá phù hợp để gặt…
2. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Hình thức hỗ trợ sau đầu tư: HTX, hộ nông dân tham gia mô hình chủ động chuẩn bị các điều kiện về quỹ đất, nhân lực, giống và các vật tư... để thực hiện mô hình; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua vật tư thiết yếu như: giống, phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ 100 % kinh phí chứng nhận VietGAP.
- Định mức hỗ trợ: Theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư, thuốc BVTV ... phục vụ sản xuất.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
+ Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, triển khai thực hiện mô hình.
3. Giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm
Với quy mô diện tích triển khai thực hiện là 60ha được chia thành 20ha/HTX thuộc các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm. Theo dự kiến tổng năng suất đạt khoảng 378 tấn, trong đó năng suất tại các điểm (HTX) triển khai thực hiện là 126 tấn/20ha/HTX. Trung tâm Khuyến nông sẽ đồng hành cùng ban quản trị các HTX tham gia mô hình tìm các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa - gạo, như: Công ty TNHH Lương Thực Long Vũ, Công ty Vinaseed …các thương lái trong và ngoài tỉnh.
4. Giải pháp về thông tin tuyên truyền
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang web, tạp chí, tờ rơi về cơ chế, chính sách, tiến bộ kỹ thuật của dự án. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật ngoài mô hình để tạo sự lan tỏa của dự án.
5. Giải pháp tổ chức thực hiện
a, Chọn địa điểm, chọn hộ tham gia dự án
Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT; UBND xã, chọn địa điểm triển khai mô hình, thống nhất về tổ chức, kế hoạch thực hiện, thuận lợi cho việc theo dõi, tổ chức hội nghị hội thảo và thăm quan đầu bờ. Cán bộ và nông dân tham gia mô hình phải nhiệt tình, tâm huyết và cam kết thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo điểm.
b, Tập huấn chuyển giao kỹ thuật
- Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị chuyển giao tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho HTX, hộ nông dân, tham gia thực hiện mô hình;
- Tư vấn, giới thiệu cho HTX, hộ nông dân loại giống lúa chất lượng, vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp có uy tín; các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm...
c, Phân công cán bộ chỉ đạo
Phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo điểm, theo dõi tiến độ thực hiện dự án, triển khai các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình, tổng hợp và viết báo cáo kết quả sau khi xây dựng mô hình.
d, Tổ chức thực hiện
- Trung tâm Khuyến nông
+ Phối hợp với các đơn vị chuyển giao tổ chức tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho HTX, hộ nông dân, tham gia thực hiện mô hình;
+ Tư vấn, giới thiệu cho HTX, hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh;
+ Phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, chủ mô hình, nông dân trong suốt quá trình tổ chức, thực hiện dự án.
+ Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện, hỗ trợ kinh phí cho HTX, hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình.
+ Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện dự án và rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình.
- Đơn vị phối hợp thực hiện:
+ Tổ chức thực hiện nội dung dự án được phê duyệt theo sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông.
+ Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính, lựa chọn giống vật tư, thiết bị, lựa chọn đối tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;
+ Thực hiện xây dựng mô hình theo đúng tiến độ; hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu dự án và báo cáo kết quả thực hiện dự án với UBND xã, phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Trung tâm Khuyến nông để tổ chức nghiệm thu kết quả, hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình.
- Đơn vị thực hiện dự án: Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng điểm để chỉ đạo, triển khai công việc: Từ việc chọn điểm, chọn hộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, các chỉ tiêu theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện cũng như đánh giá kết quả mô hình cuối vụ.
V. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN (Phụ lục 1)
STT | Hạng mục | Kinh phí (đ) | Nguồn tài chính (đ) | |
| | | SNKNLN | Vốn đối ứng |
I | Kinh phí xây dựng mô hình | 1.937.380.000 | 570.580.000 | 1.366.800.000 |
1 | Chi phí hỗ trợ giống, phân bón, vật tư khác … chứng nhận VietGAP | 1.824.780.000 | 457.980.000 | 1.366.800.000 |
2 | Chi phí triển khai | 91.000.000 | 91.000.000 | 0 |
3 | Thuê cán bộ chỉ đạo | 21.600.000 | 21.600.000 | 0 |
II | Thông tin tuyên truyền | 12.800.000 | 12.800.000 | 0 |
III | Chi phí quản lý | 16.620.000 | 16.620.000 | 0 |
Tổng | | 1.966.800.000 | 600.000.000 | 1.366.800.000 |
VI. DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA DỰ ÁN
1. Xây dựng thành công 03 điểm trình diễn sản xuất lúa an toàn theo VietGAP ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 20ha/điểm.
2. Các hộ tham gia mô hình triển khai đầy đủ các nội dung và đạt mục đích, yêu cầu của dự án, đáp ứng theo tiêu chuẩn đề ra, hình thành được chuỗi liên kết giá trị bền vững, hiệu quả.
3. Chỉ tiêu đạt được: Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm lúa - gạo đảm bảo an toàn, giúp nâng cao lợi nhuận sản xuất từ 20-25% so với sản xuất truyền thống.
VII. DỰ KIẾN HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN (Phụ lục 2)
1. Hiệu quả về kinh tế
- Chi phí sản xuất: 27.288.000 đồng/vụ/ha
- Năng suất: 6,3 tấn/ha; giá bán bình quân 8.500.000 đ/tấn.
- Doanh thu: 53.550.000 đồng/vụ/ha.
- Lãi thuần: 26.262.000 đồng/vụ/ha.
Lợi nhuận thu được của mô hình cấy lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ cao hơn so với gieo thẳng và cấy truyền thống từ 4.447.000 - 5.246.000 đ/ha. (tương đương từ 20-25%).
2. Hiệu quả xã hội
- HTX, các hộ dân tham gia mô hình làm chủ được tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu lúa - gạo an toàn. Việc thực hiện thành công mô hình làm cơ sở để các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong toàn tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa các tổ dịch vụ trong các khâu trong sản xuất lúa để góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp.
- Giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và tại các vùng sản xuất lúa nói riêng do tình trạng đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác, lao động nặng nhọc được giải phóng, sức khỏe của người dân được nâng cao.
3. Hiệu quả khoa học
Sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng giá trị trên đơn vị diện tích, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí được nâng lên.
4. Hiệu quả về môi trường
- Các diện tích cấy máy, lúa cấy máy lên nhanh, đẻ nhánh khỏe, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại do đó hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường.
- Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình kỹ thuật được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng và toàn xã hội.
- Nhận thức về bảo vệ môi trường của người sản xuất và tất cả người dân được tăng cường thông qua tuyên truyền.
VIII. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1. Kết luận
Dự án “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" giúp nâng cao lợi nhuận sản xuất từ 20-25% so với sản xuất truyền thống, hình thành vùng sản xuất lúa an toàn theo hướng hàng hóa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị.
2. Đề nghị
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phê duyệt để dự án được triển khai thực hiện trong năm 2024.
- Đề nghị các địa phương thực hiện mô hình tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia mô hình đạt hiệu quả cao./.