Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình: “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen”

Mô hình: “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen”
Mô hình: “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen”

THUYẾT MINH

XÂY DỰNG MÔ HÌNH SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC VÀ THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI TRONG AO NUÔI THÂM CANH CÁ TRẮM ĐEN

Phần I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên mô hình: “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen".

2. Cấp quản lý: Cấp tỉnh.

3. Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam.

4. Đơn vị thực hiện: Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

5. Cơ quan phối hợp thực hiện:

- Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Duy Tiên.

- Ủy ban nhân dân xã,  HTX DVNN xã Chuyên Ngoại.

6. Thời gian thực hiện: Năm 2024.

7.  Tổng kinh phí thực hiện:  1.479.415.000 đồng.

Trong đó:

- Kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp nông lâm nghiệp: 250.000.000 đồng;

- Vốn của hộ dân:                                                      1.229.415.000 đồng.

Phần II

SỰ CẦN THIẾT, CĂN CỨ VÀ MỤC TIÊU

1. Sự cần thiết xây dựng mô hình

Cá trắm đen là loài đặc sản nước ngọt, rất có giá trị về mặt kinh tế, dinh dưỡng, y học và là nguyên liệu không thể thay thế của món cá kho làng Vũ Đại, đặc sản tỉnh Hà Nam. Do có đặc điểm sống ở tầng đáy, thức ăn ưa thích gồm ốc, hến, trai, cua, tôm,… cá trắm đen thường được nuôi ghép trong các ao nuôi cá truyền thống với tỷ lệ khoảng 5% để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên sản lượng, giá trị chưa cao. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số hộ nuôi chuyên cá trắm đen nhưng việc quản lý chất lượng nước gặp nhiều khó khăn do sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ gây ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp hiệu quả.

Trong thời gian tới, diện tích nuôi trồng thủy ngày càng bị thu hẹp, để nâng cao sản lượng, giá trị sản xuất đòi hỏi người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tích cực đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để mở rộng diện tích nuôi thâm canh, chuyên canh các đối tượng có giá trị kinh tế.

Xuất phát từ lí do trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề xuất “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen" nhằm quản lý tốt chất lượng nước, giảm thiểu rủi do, hạn chế dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả, giá trị kinh tế trên ha canh tác, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

2. Căn cứ pháp lý

Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của HĐND tỉnh Hà Nam ban hành quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;

Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh Hà Nam Quyết định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, chế độ chi tiếp khách đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;

Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh Hà Nam về nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam;

Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hà Nam;

Quyết định số 187/QĐ-SNN ngày 28/12/2023 của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

3. Mục tiêu

Xây dựng thành công mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen trong ao áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý chất thải, nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất/ha canh tác, cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình.

Phần III

NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. Quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện

Quy mô: Xây dựng 1 mô hình tại 1 điểm với 2 hộ tham gia.

Tổng diện tích 11.000 m2 (1,1ha). Mỗi hộ 0,4 ha (4.000 m2) trở lên.

Địa điểm thực hiện: Dự kiến triển khai tại xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.

Thời gian thực hiện: Từ tháng 02/2024 đến tháng 12/2024.

II. Nội dung thực hiện

1. Chọn địa điểm, chọn hộ xây dựng mô hình

1.1. Tiêu chí chọn điểm

Chọn những xã có tiềm năng, lợi thế về diện tích, điều kiện hạ tầng, nguồn nước phù hợp nuôi trồng thủy sản,... Lãnh đạo địa phương, hợp tác xã (HTX) nhiệt tình, trách nhiệm, có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

1.2. Tiêu chí chọn hộ

Hộ có nguyện vọng tham gia, quyết tâm xây dựng mô hình; có khả năng tiếp thu, áp dụng kỹ thuật vào nuôi trồng thuỷ sản (NTTS); cam kết trong quá trình thực hiện tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của đơn vị triển khai. Trong quá trình nuôi báo cáo đúng tiến độ, tình hình thực tế, phản ánh kịp thời các vấn đề bất thường với cán bộ kỹ thuật được giao phụ trách mô hình. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kiểm tra, tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Có ao nuôi đảm bảo diện tích từ 4.000m2  trở lên, bờ chắc chắn, cao từ 3,0 - 3,5 m, có nguồn nước chủ động, phù hợp để nuôi cá trắm đen, tiện đường giao thông, thuận lợi cho quá trình kiểm tra, tổ chức tham quan, hội nghị đầu bờ. Có đầy đủ các nguồn lực về lao động, vốn, mạnh dạn đầu tư.

1.3. Dự kiến chọn điểm, chọn hộ xây dựng mô hình

Căn cứ tiêu chí chọn điểm, chọn hộ nêu trên, dự kiến chọn 2 hộ tại xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên để tham gia xây dựng mô hình.

2. Tập huấn kỹ thuật

Dự kiến tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho các hộ thực hiện mô hình và các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng với 30 đại biểu tham gia.

Nội dung tập huấn: Đặc điểm sinh học của cá trắm đen (phân bố, tập tính, môi trường sống, tính ăn, sinh trưởng, sinh sản); thiết kế, cải tạo ao nuôi, hệ thống thu gom chất thải, hệ thống thổi khí phụ trợ; lựa chọn con giống, thả giống; kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, hóa chất quản lý ao nuôi; dấu hiệu bệnh lý và biện pháp phòng, trị một số bệnh thường gặp trên cá trắm đen.

3. Nghiệm thu

 Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, Chi cục phối hợp với địa phương tổ chức đánh giá quá trình triển khai và kết quả thực hiện mô hình. Trên cơ sở đó báo cáo Hội đồng khoa học Sở tiến hành nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí cho các hộ tham gia mô hình theo đúng quy định.

4. Các chỉ tiêu kỹ thuật cần theo dõi, đánh giá

Mật độ nuôi: 1 con/m2; thời gian nuôi: 9 tháng.

Tỷ lệ sống: ≥ 70%; Kích cỡ thu hoạch trung bình: 3 kg/con.

Năng suất: ≥ 20 tấn/ha.

Theo dõi, đánh giá chất lượng nước ao nuôi thông qua các chỉ số như độ trong, pH, hàm lượng khí độc trong ao,… tình hình sinh trưởng, phát triển, dịch bệnh của cá trắm đen trong quá trình nuôi,…

(Tiến độ thực hiện mô hình chi tiết tại phụ lục I kèm theo)

III. Giải pháp tổ chức thực hiện

1. Giải pháp về kỹ thuật

1.1. Giải pháp về ao nuôi: Căn cứ yêu cầu quy mô của mô hình và diện tích hiện có của các hộ tham gia, Chi cục cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn chủ hộ quy hoạch, thiết kế, cải tạo, chuẩn bị ao nuôi và hệ thống thu gom chất thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cụ thể như sau: Thiết kế 1 ao nổi có diện tích 7.000  -  8.000 m2 , lót bạt HDPE toàn bộ đáy và mái bờ ao, bố trí 6 - 7 guồng quạt nước loại 6 - 8 cánh để cung cấp oxy và tạo dòng chảy tròn, gom chất thải về giữa đáy ao. Lắp đặt hệ thống ống nhựa chìm Ø 200 mm từ giữa đáy áo ra ngoài ao nuôi, có tác dụng xả bỏ bùn đáy khi cần thiết; 1 ao chìm có diện tích 3.000 - 4.000 m2, bố trí 4 guồng quạt nước loại 6 - 8 cánh và hệ thống thổi khí phụ trợ. Độ sâu mực nước ao nuôi trung bình >3m.

1.2. Con giống: Cá giống được mua từ các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản hoặc các cơ sở ương dưỡng giống cá trắm đen trong tỉnh. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ lựa chọn và Chi cục tổ chức thẩm định trước khi thả, đảm bảo số lượng, chất lượng, kích cỡ theo yêu cầu dự án (cá trắm đen khoẻ mạnh, đồng đều, trọng lượng bình quân 500g/con; ngoại hình hoàn chỉnh, màu sắc tươi sáng, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý,...).

1.3. Sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, tăng sức khỏe cho đàn vật nuôi:

+ Chế phẩm sinh học: Để quản lý tốt chất lượng nước, trong suốt quá trình nuôi sử dụng 2 loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và xử lý chất thải dưới đáy ao với tần xuất 3 - 4 lần/tháng. Ngoài ra sử dụng các loại men, chế phẩm trộn vào thức ăn cho cá định kỳ 1 - 2 lần/tháng giúp kích thích khả năng tiêu hóa, phòng bệnh đường ruột.

+ Hóa chất: Sử dụng hóa chất để khử trùng, cải tạo chất lượng nước trước khi thả giống. Trong quá trình nuôi do hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất để không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trong ao (chỉ sử dụng thời điểm giao mùa, môi trường nước ao nuôi có dấu hiệu ô nhiễm).

+ Các sản phẩm tăng cường sức đề kháng: Sử dụng Vitamin tổng hợp, Vitamin C, B-Glucan, ... định kỳ 1 - 2 lần/tháng và tăng tần suất trong mùa nắng nóng, thời tiết thay đổi đột ngột.

Các sản phẩm sử dụng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nằm trong Danh mục hàng hóa được phép lưu hành do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.

1.4. Thức ăn: Sử dụng 100% thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 35 - 40%, tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cá (cá nhỏ yêu cầu hàm lượng đạm cao và giảm dần khi cá lớn). Thức ăn đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được phép lưu hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1.5. Chăm sóc, quản lý: Việc chăm sóc quản lý ao nuôi được các hộ thực hiện theo quy trình, hướng dẫn của nhà sản xuất và cán bộ kỹ thuật.

1.6. Thu gom, xử lý chất thải: Chất thải được thu gom định kỳ tùy theo giai đoạn nuôi thông qua việc xả bỏ nước tầng đáy, khi cá còn nhỏ tiến hành thu gom 2 - 3 lần/tháng, khi cá lớn 4 - 6 lần/tháng. Chất thải theo hệ thống mương dẫn, được sử dụng tưới cho vườn trồng cây.

1.7. Tiêu thụ sản phẩm: Sản phẩm sau khi thu hoạch được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, do hộ dân quyết định; được phân loại, tổng hợp đánh giá hiệu quả mô hình.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mô hình gồm kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công chỉ đạo mô hình. Nội dung và mức chi theo quy định tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Quyết định số 15, 16/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về định mức kinh tế - kỹ thuật, nội dung và mức chi hỗ trợ hoạt động khuyến nông từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 16/8/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chế độ công tác phí, chế độ hội nghị, chế độ chi tiếp khách đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Cụ thể như sau:

Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu với tổng số tiền là 239.140.000 triệu đồng, bao gồm:

* Cá giống:
1 con/m2 x 11.000m2 x 32.000 đồng/con x 50% = 176.000.000 đồng
* Chế phẩm sinh học (CPSH):
- CPSH xử lý nước: 330 lít/kg x 180.000 đồng/kg x 50% = 29.700.000 đồng.
- CPSH xử lý đáy: 198 lít/kg x 120.000 đồng/kg x 50% = 11.880.000 đồng.
* Sản phẩm tăng sức đề kháng:
154 kg x 280.000 đồng/kg x 50% = 21.560.000 đồng.

- Hình thức hỗ trợ: Sau đầu tư.

- Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, công cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, biển hiệu mô hình.

3. Giải pháp về tổ chức thực hiện

3.1. Khảo sát và chọn điểm: Trên cơ sở nội dung được phê duyệt, tiêu chí chọn điểm, chọn hộ tham gia xây dựng mô hình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với đơn vị chuyên môn cấp huyện tiến hành khảo sát, lựa chọn điểm, hộ tham gia xây dựng mô hình.

3.2. Tập huấn kỹ thuật: Phối hợp với UBND xã, HTX và các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia và các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng.

3.3. Chỉ đạo kỹ thuật: Chi cục ký hợp đồng thuê khoán chuyên môn với người có trình độ đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, có kinh nghiệm, phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật chuyên môn phòng Quản lý giống, kỹ thuật chăn nuôi và thủy sản của Chi cục để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia trong suốt quá trình triển khai thực hiện..... Hằng tuần báo cáo kết quả, tiến độ triển khai thực hiện với Chi cục. Theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, báo cáo kết quả khi kết thúc.

IV. Dự kiến kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện: 1.479.415.000 đồng.

Trong đó:

  - Kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp nông lâm nghiệp: 250.000.000 đồng;

  - Vốn của hộ dân:                                                      1.229.415.000 đồng.

(Dự toán chi tiết tại phụ lục II kèm theo)

V. Dự kiến sản phẩm của mô hình

Xây dựng, đánh giá được hiệu quả của mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen sử dụng chế phẩm sinh học, thu gom, xử lý chất thải.

 Tổng sản lượng ước đạt trên 24 tấn cá trắm đen thương phẩm, lợi nhuận ước đạt 260 triệu đồng. Tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế cho hộ tham gia thực hiện, cụ thể như sau:

1. Hiệu quả kinh tế

TTDanh mụcĐvtSố lượng

Đơn giá

(đồng)

Thành tiền

(đồng)

AChi phí sản xuất   1.468.555.000
1Cá giống: 1 con/m2con11.00032.000352.000.000
2Chế phẩm sinh học xử lý nước: 1kg/lit/4.000 m3 nước, tháng 4 lần, 9-10 tháng/vụ nuôi.lit/kg330180.00059.400.000
3Chế phẩm sinh học xử lý đáy ao: 1lít/kg/4.000 m3 nước, tháng 3 lần, 8 tháng cuối vụ nuôi.lit/kg198120.00023.760.000
4Sản phẩm tăng đề kháng: men tiêu hóa, vitamin C, beta glucan,…kg154280.00043.120.000
5Thức ăn: FCR = 1,8.kg44.55019.000846.450.000
6Vôi kg3.5752.2007.865.000
7Hoá chất xử lý môi trường: 1lít/5.000 m3 nước.lit/kg33220.0007.260.000
8Chi phí điện năng: (6 triệu/tháng/ha)đồng1,172.000.00079.200.000
9Công lao động công330150.00049.500.000
BDoanh thu: Dự kiến tỷ lệ sống 75%, cỡ thu hoạch trung bình 3kg/con. 24.75070.0001.732.500.000
CLợi nhuận (II-I)   263.945.000
Lợi nhuận/ha canh tác   239.950.000

* So sánh với ngoài mô hình:

Năng suất nuôi trồng thủy sản bình quân toàn tỉnh hiện nay đạt 4,5 tấn/ha, nuôi thâm canh các loài cá truyền thống năng suất 10 - 12 tấn/ha; doanh thu đạt 480 - 580 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 - 100 triệu/ha.

Mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen triển khai thành công dự kiến cho năng suất trên 20 tấn/ha, giá trị sản xuất trên 1,4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 240 triệu đồng/ha, gấp 2,5 - 3 lần so với nuôi thâm canh cá truyền thống, gấp 6 lần so với trung bình chung toàn tỉnh.

2. Hiệu quả xã hội: Mô hình được triển khai sẽ cung cấp kiến thức khoa học, kỹ thuật cho các hộ tham gia và người nuôi thủy sản địa phương; giúp nâng cao giá trị sản xuất trên ha canh tác, tạo tiền đề nhân rộng mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hiệu quả.

3. Hiệu quả môi trường: Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, thu gom và xử lý chất thải giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, giảm thiểu rủi do dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm môi trường.

VI. Kết luận và Kiến nghị

Xây dựng thành công mô hình sẽ là cơ sở khoa học khẳng định hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp với thu gom, xử lý chất thải trong ao nuôi thâm canh cá trắm đen, giúp nâng cao năng xuất, sản lượng và giá trị trên ha canh tác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

 Kính đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phê duyệt để dự án được triển khai thực hiện trong năm 2024./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y