Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Báo cáo Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024
Báo cáo số 483/BC-SNN ngày 11/11/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT về Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024

Thực hiện Kế hoạch số 61-KH/BCĐ ngày 22/10/2024 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo" về việc tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo" và xét công nhận mô hình “Dân vận khéo" năm 2024, Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo với những nội dung chính như sau:

I. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Sở Nông nghiệp & PTNT là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về: nông nghiệp; lâm nghiệp; thuỷ sản; thuỷ lợi; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thuỷ sản; về các dịch vụ công thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định pháp luật và theo phân công hoặc uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam có 05 phòng[1], 05 chi cục[2] và 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Ban Giám đốc Sở hiện có 04 đồng chí; đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức trong cơ quan đều có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, có ý thức chấp hành tốt các nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

1 . Thuận lợi

Sở Nông nghiệp & PTNT luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo" đã được Đảng uỷ Sở, Lãnh đạo Sở quan tâm, chỉ đạo công chức, viên chức và người lao động tổ chức thực hiện thông qua quá trình thực thi công vụ, dần dần đã tạo được sự chuyển biến nhận thức và hành động của người dân. Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, việc tăng cường, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo" là hoạt động cần thiết, nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

2. Khó khăn

Ngành Nông nghiệp & PTNT là một ngành kinh tế - kỹ thuật với địa bàn hoạt động rộng lớn, các lĩnh vực quản lý đều có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như cây trồng, vật nuôi, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, kênh mương thủy lợi, xây dựng nông thôn mới,… là ngành dễ bị tổn thương do thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả thị trường. Các yếu tố đó tác động gây khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện

- Công tác tuyên truyền, quán triệt và ban hành văn bản cụ thể hóa thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo":

Đảng uỷ Sở, Lãnh đạo Sở và các phòng, đơn vị trực thuộc đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo" nói riêng. Sở đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận khá đồng bộ, cơ bản sát với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành và triển khai kịp thời đã tác động tích cực đến đời sống của người dân.

Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, các văn bản về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp"; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; Quy chế số 05-QC/TU ngày 09/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam; Chị thị số 19-CT/TU và Kết luận số 418-KL/TU của Tỉnh uỷ Hà Nam ngày 09/01/2024 về tiếp tục thực hiện Chị thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của về tăng cường công  tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Hướng dẫn số 22-HD/BCĐ ngày 27/4/2020 của BCĐ về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo", Hướng dẫn số 22-HD/BCĐ ngày 28/3/2022 về tiêu chí trong xây dựng và đánh giá, công nhận mô hình “Dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh, … Cùng với đó các đơn vị đã gắn triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" với quán triệt tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân.

Thực hiện Công văn số 39-CV/BCĐ ngày 24 tháng 01 năm 2024 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo" tỉnh Hà Nam về việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" năm 2024, Sở nghiệp & PTNT đã ban hành Công văn số 238/SNN-VP ngày 06/3/2024 về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" năm 2024 gửi các đơn vị trực thuộc để đăng ký triển khai. Trên cơ sở tổng hợp, đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo" năm 2024 của các phòng, đơn vị. Sở đã gửi văn bản số 249/SNN-VP ngày 09/3/2024 về việc đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo" năm 2024.

2. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, khảo sát, đánh giá việc thực hiện phong trào thi đua

Ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo". Trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo Sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng thời giao phòng Tổ chức cán bộ là đơn vị tham mưu, theo dõi, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo". Vì vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo" được triển khai đồng bộ tới các phòng, đơn vị trực thuộc để lựa chọn, xây dựng mô hình “Dân vận khéo" để triển khai thực hiện.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các phòng, đơn vị thuộc Sở triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" với những nội dung cụ thể, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện như: các mô hình về cải cách hành chính; mô hình tiếp dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; mô hình vận động người dân phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất chế biến nông lâm sản và thủy sản; mô hình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... Đồng thời hướng đến xây dựng những mô hình trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên góp phần phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp lồng ghép phổ biến, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phong trào “Dân vận khéo" trong các lĩnh vực Ngành quản lý, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn bằng nhiều hình thức như: phổ biến văn bản của các Bộ, ngành Trung ương và của địa phương, thông qua các buổi tiếp xúc đối thoại trực tiếp, các lớp tập huấn kỹ thuật, sân khấu hóa,…nhằm giới thiệu những cách làm hay, việc làm tốt, những mô hình, điển hình “Dân vận khéo", tạo sức lan tỏa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt việc công khai, tuyên truyền các mô hình “Dân vận khéo" trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của Sở để mọi cán bộ, công chức, viên chức đều có thể khai thác, theo dõi.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA

Kết quả việc triển khai tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo" đăng ký năm 2024 như sau:

1. Mô hình “Tăng cường công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh"

Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm thường xuyên rà soát cập nhập văn bản pháp luật mới liên quan đến sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời tham mưu lãnh đạo trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh khi có thay đổi.

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 do Sở Nông nghiệp & PTNT phát động, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm Hà Nam thực hiện mô hình “Dân vận khéo" với nội dung "Tăng cường công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh", kết quả thực hiện như sau:

Ngay từ đầu năm, Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên rà soát cập nhập văn bản pháp luật mới liên quan đến sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để kịp thời tham mưu lãnh đạo trong công tác kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn tỉnh khi có thay đổi.

- Căn cứ Kế hoạch được giao đầu năm 2024, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tập chung xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Lãnh đạo Chi cục đã ban hành 02 Quyết định thành lập đoàn đánh giá thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV và phân bón.

- Năm 2024, Chi cục ban hành 03 Quyết định thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành và đánh giá điều kiện kinh doanh số:

+ Quyết định số 01/QĐ-TT,BVTV& KL ngày 04/01/2024 V/v thành lập đoàn kiểm tra điều kiện buôn bán phân bón trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

+ Quyết định số 02/QĐ-TT,BVTV& KL ngày 04/01/2024 V/v thành lập đoàn kiểm tra điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

+ Quyết định số 03/QĐ-TT,BVTV&KL ngày 13/8/2024 V/v Kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2024.

- Căn cứ kế hoạch và thực hiện 03 Quyết định, năm 2024 Đoàn kiểm tra của Chi cục đã tiến hành kiểm tra được 55 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Tất cả các cơ sở được kiểm tra đều chấp hành cơ bản đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh buôn bán.

- Lồng ghép trong các buổi kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đánh giá điều kiện, Đoàn cũng tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc thực hiện kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV.

2. Mô hình “Xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm"

Thực hiện Quyết định số 1350/QĐ-UBND, ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024; Quyết định số 206/QĐ-UBND, ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024. Vụ Xuân năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" đến nay đã thu được một số kết quả cụ thể như sau:

Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trung tâm DVNN các huyện, UBND các xã chọn địa điểm triển khai mô hình:

+ Tiêu chí lựa chọn địa điểm để triển khai xây dựng mô hình là vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp và có truyền thống sản xuất lúa... diện tích gọn vùng, gọn thửa, có khả năng nhân rộng để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở, doanh nghiệp.

+ Tiêu chí chọn hộ, hợp tác xã: là đơn vị tự nguyện tham gia xây dựng mô hình, có diện tích sản xuất lúa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để triển khai thực hiện, có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cam kết có đủ điều kiện về vốn, nguồn nhân lực... đảm bảo để đầu tư. Từ kết quả thực tế chủ động duy trì, mở rộng quy mô sau khi kết thúc dự án và tuyên truyền cho các hộ nông dân khác tại địa phương cùng thực hiện.

+ Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty CP chứng nhận Quốc tế đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP, Công ty CP chứng nhận CAC đơn vị đào tạo, tư vấn tổ chức 06 tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững cho 720 lượt người tham gia mô hình.

+ Phân công cán bộ phụ trách các mô hình thường xuyên bám sát theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp kỹ thuật kịp thời, hiệu quả.

+ Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết tham quan học tập để đánh giá hiệu quả của mô hình làm cơ sở cho việc tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

+ Hình thức hỗ trợ sau đầu tư: HTX, hộ nông dân tham gia mô hình chủ động chuẩn bị các điều kiện về quỹ đất, nhân lực, giống và các vật tư... để thực hiện mô hình; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua vật tư thiết yếu như: giống, phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ 100 % kinh phí chứng nhận VietGAP.

+ Định mức hỗ trợ: Theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam. Cụ thể như sau:

+ Hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư, thuốc BVTV;

+ Hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP;

+ Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, triển khai thực hiện mô hình.

* Đánh giá hiệu quả:

- Hiệu quả khoa học:

Khác với phương pháp cấy tay phương pháp cấy bằng máy với khoảng cách thưa (18-20cm x 30cm) tương đương mật độ 17-19 khóm/m2 (cấy tay 40-42 khóm/m2), số dảnh hữu hiệu/khóm cao (9-12 dảnh/khóm trong khi lúa cấy tay từ 4-6 dảnh/khóm), phương pháp này giúp giảm giống, cây lúa sử dụng hiệu quả ánh sáng mặt trời, hạn chế sâu bệnh so với phương pháp sản xuất lúa thông thường.

- Hiệu quả kinh tế:

- Đối với khâu làm đất: các HTX đã điều hành các tổ dịch vụ làm đất tại địa phương để chủ động làm đất theo thời vụ (khoảng 200.000đ/sào);

- Đối với khâu làm mạ và cấy máy: Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các HTX tìm các tổ dịch vụ làm mạ khay, cấy máy uy tín như: Tổ dịch vụ của ông Lê Văn Thắng - huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thành, ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (từ 280.000 - 300.000đ/sào);

- Đối với khâu phun thuốc BVTV: Phòng Nông nghiệp & PTNT tham mưu cho UBND huyện Lý Nhân hỗ trợ 02 lần công phun thuốc BVTV bằng thiết bị máy bay không người lái tại HTX NN Nhân Phúc do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thực hiện, các điểm còn lại do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Liêm tổ chức phun bằng máy bay không người lái.

- Đối với khâu thu hoạch: Các HTX chủ động thuê tổ máy giá phù hợp (từ 100.000-120.000 đ/sào) để thu hoạch, sản phẩm có thể được thu mua tươi để sấy máy hoặc phơi khô qua một nắng.

- Đối với khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm: Các HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ - tỉnh Hà Nam; Công ty TNHH Hưng Phú - tỉnh Hưng Yên để bao tiêu sản phẩm lúa - gạo, dự kiến giá thu mua lúa khô 12.000đ/kg.

Như vậy, so với phương pháp gieo sạ và cấy tay, lúa cấy ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất cho lãi từ 11-13 triệu đồng/vụ/ha.

- Hiệu quả xã hội:

- HTX, các hộ dân tham gia mô hình làm chủ được tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu lúa - gạo an toàn. Việc thực hiện thành công mô hình làm cơ sở để các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong toàn tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa các tổ dịch vụ, hoàn thiện chu trình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các HTX DVNN.

3. Mô hình “Tuyên truyền, vận động người dân sản xuất rau quả bảo đảm an toàn thực phẩm"

Xã Nhân Nghĩa và xã Nhân Chính huyện Lý Nhân là hai xã có diện tích sản xuất rau quả tương đối lớn, được lựa chọn làm mô hình sản xuất rau quả áp dụng VietGAP, là bãi bồi ven sông, gần nguồn nước tưới, người dân có truyền thống sản xuất rau lâu đời, thuận lợi để triển khai các hoạt động sản xuất rau quả an toàn. Vùng trồng rau bãi màu Lam Xá - Nhân Nghĩa có diện tích khoảng 10ha với 130 hộ trồng rau. Vùng trồng rau xóm 1 Hạ Vỹ, Nhân Chính khoảng 3,5 ha gồm 65 hộ. Hàng năm cung cấp hàng trăm tấn rau quả cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Thực hiện mô hình dân vận khéo năm 2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sản xuất rau quả bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn 2 xã nêu trên, cụ thể là: Phối hợp với UBND xã Nhân Nghĩa, UBND xã Nhân Chính tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức sản xuất rau quả bảo đảm an toàn thực phẩm cho 195 hộ trồng rau quả. Chỉ đạo Nhân viên quản lý chất lượng thực hiện ký cam kết trồng rau an toàn với 195 hộ trồng rau trên, nội dung cam kết là căn cứ để các hộ thực hiện sản xuất rau quả bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng và về đích xã nông thôn mới nâng cao huyện Lý Nhân trong năm 2024 và 2025.

Việc cung cấp thông tin kiến thức sản xuất rau quả áp dụng VietGAP đã giúp các hộ chỉ sử dụng thuốc BVTV, hóa chất phân bón trong danh mục, có ghi chép thông tin về việc sử dụng, tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc; có giải pháp che chắn ruộng nọ với ruộng kia khi phun, có biện pháp phòng chống động vật gây hại; rau thu hoạch đúng quy cách, tránh tình trạng lây nhiễm chéo làm hư hỏng rau quả; lá già, phế phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, xử lý làm phân bón. Các loại sản phẩm rau quả là: rau muống, đậu đỗ, dưa chuột, hành ăn lá, mồng tơi, mướp, rau cải, su hào,…Đến nay, Chi cục đã lấy 02 đợt mẫu rau quả giám sát định kỳ, gửi đi kiểm nghiệm về chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả đạt yêu cầu.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động để rau từ vùng sản xuất tại 2 xã nêu trên cung cấp cho thị trường là đảm bảo an toàn thực phẩm.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Lãnh đạo Sở, các phòng, đơn vị đã thường xuyên coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong toàn ngành, trên nhiều lĩnh vực. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đảm bảo lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; gắn thực hiện phong trào “Dân vận khéo" với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới,... Do đó phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực. Ngoài ra trong quá trình thực hiện, Sở và các đơn vị đã sử dụng có hiệu quả các phương tiện của mình như là: thông qua trang Web của ngành, Tạp chí Khuyến nông để đăng tải các văn bản mới về chủ trương, chính sách, pháp luật và mô hình sản xuất hay, hiệu quả...về sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn để cán bộ cơ sở và nhân dân cập nhật, tiếp cận và khai thác thông tin. Đặc biệt cơ quan có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình với công việc và đội ngũ kỹ thuật viên phủ kín ở các xã, phường, thị trấn nên khi triển khai thực hiện công tác dân vận đến cơ sở, đến nhân dân rất nhanh và có hiệu quả. Đồng thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cơ quan đã có sự phối kết hợp rất chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt là các cơ quan truyền thông như Báo Hà Nam, Đài PTTH tỉnh và UBND các huyện, thành phố nên nhiệm vụ của ngành đều được các ngành, các cấp, nhân dân hiểu và đồng tình ủng hộ.

2. Hạn chế

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở một số đơn vị có thời điểm chưa thực sự được quan tâm chú trọng.

- Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong phong trào còn chưa được thường xuyên.

* Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:

- Nhận thức, trách nhiệm của một số ít cán bộ lãnh đạo đơn vị, đoàn thể cơ quan và một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo" chưa đầy đủ; chưa chú trọng gắn thực hiện phong trào với lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức kiêm nhiệm nhiều việc, chưa dành nhiều thời gian, công sức cho công tác dân vận.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

- Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong tình hình mới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, người lao động đoàn viên, hội viên và nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo".

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo" gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức đoàn thể phát động. Biểu dương khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo", gương “Người tốt việc tốt" trên các lĩnh vực của ngành.

- Tăng cường đổi mới công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, gắn thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan Nhà nước các cấp"; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới"; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/10/2013 của Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác dân vận của chính quyền đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới"…

- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai các chương trình, dự án và công khai, minh bạch để nhân dân biết và giám sát việc thực hiện.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận tại cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, nguyên nhân và đề ra các giải pháp thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo" nói riêng.

Trên đây là Báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo" năm 2024, Sở Nông nghiệp & PTNT trân trọng báo cáo./.

[1] Các phòng gồm: Phòng Tổ chức cán bộ; Văn phòng Sở; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra Sở; Phòng Quản lý xây dựng công trình.

[2] Các đơn vị và trung tâm: Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Phát triển nông thôn; Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường; Chi cục Thuỷ lợi và Trung tâm Khuyến nông.

Phòng Tổ chức Cán bộ