Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025
Kế hoạch số 12/KH-SNN ngày 22/01/2025 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025

Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP;

Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 07/01/2025, Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 17/01/2025 của UBND tỉnh Hà Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/7/2012, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật.

- Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính;

- Xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và nhân dân; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác xử lý vi phạm hành chính trong ngành.

- Kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thi hành pháp luật, công tác xử lý vi phạm hành chính và đề xuất giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu

- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác xử lý vi phạm hành chính được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện việc đánh giá phải chính xác, khách quan, tránh hình thức.

- Đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Rà soát, theo dõi việc thi hành pháp luật

 Các đơn vị trong ngành chủ động rà soát, theo dõi tình hình áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn.

2. Tăng cường công tác phổ biến pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực ngành quản lý để đảm bảo triển khai công tác thi hành pháp luật hiệu quả:

+ Thanh tra Sở: Hướng dẫn nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của ngành cho công chức làm công tác kiểm tra chuyên ngành.

+ Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm: Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật, phân bón, kiểm lâm. Tập trung vào các văn bản: Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, Nghị định số 84/2019/NĐCP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15 tháng 11 năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, giống cây trồng, phân bón.

+ Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thú y, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tập trung vào các văn bản: Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017, Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 và các vản bản hướng dẫn thi hành; các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; vận chuyển động vật, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản.

+ Chi cục Phát triển nông thôn: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản về nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Luật Hợp tác xã và các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý.

+ Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường: Tuyên truyền phổ biến Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010, các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông sản, thủy sản.

+ Chi cục Thủy lợi: Tuyên truyền phổ biến Luật đê điều, Luật Thủy lợi, Luật phòng chống thiên tai, các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi lĩnh vực ngành quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính theo đúng quy định.

4. Công tác báo cáo

- Các đơn vị trong ngành có trách nhiệm báo cáo việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định gửi về Sở Nông nghiệp & PTNT qua Thanh tra Sở để tổng hợp báo cáo chung của Ngành.

- Thanh tra Sở đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả chung của ngành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của đơn vị để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với Văn phòng Sở kiểm tra việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các đơn vị trực thuộc Sở trong năm 2025.

3. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp & PTNT yêu cầu các phòng, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

Lãnh đạo Sở