Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo Kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Xuân 2024

Báo cáo Kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Xuân 2024
Thực hiện Quyết định số 1350/QĐ-UBND, ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024; Quyết định số 206/QĐ-UBND, ngày 07/02/2024 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Chương trình, nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp Khuyến nông tỉnh Hà Nam năm 2024. Vụ Xuân năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” đến nay đã thu được một số kết quả cụ thể như sau:

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước tình hình biến đổi khí hậu gây bất lợi cùng chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, để người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết. Mặt khác sản phẩm lúa-gạo an toàn đang là sự quan tâm đặc biệt từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, vì nó góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, hội nhập nông sản quốc tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Sản xuất lúa-gạo an toàn phải đảm bảo ba yêu cầu: An toàn cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đạt 100%, khâu cấy máy đạt trên 16% diện tích, khâu phun thuốc BVTV bằng máy bay không người đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa đạt 90%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.

Thực hiện cơ giới hóa là yêu cầu quan trọng đặt ra, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Vì thế, cần thiết có sự triển khai đồng bộ máy móc, thiết bị ở tất cả các khâu. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đặt mục tiêu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt trên 90%, gieo trồng đạt 60%, bảo quản chế biến đạt 50%... hướng đi này sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất sau thu hoạch

Xuất phát từ những lý do trên, Trung tâm Khuyến nông đề xuất dự án “Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" để hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tạo ra sản phẩm an toàn giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp qua đó tăng hiệu quả kinh tế và tạo hướng đi mới bền vững cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác triển khai

a. Kết quả khảo sát, chọn điểm, chọn hộ tham gia

Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT; Trung tâm DVNN các huyện, UBND các xã chọn địa điểm triển khai mô hình:

- Tiêu chí lựa chọn địa điểm để triển khai xây dựng mô hình là vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp và có truyền thống sản xuất lúa... diện tích gọn vùng, gọn thửa, có khả năng nhân rộng để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở, doanh nghiệp.

- Tiêu chí chọn hộ, hợp tác xã: là đơn vị tự nguyện tham gia xây dựng mô hình, có diện tích sản xuất lúa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật để triển khai thực hiện, có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; cam kết có đủ điều kiện về vốn, nguồn nhân lực... đảm bảo để đầu tư. Từ kết quả thực tế chủ động duy trì, mở rộng quy mô sau khi kết thúc dự án và tuyên truyền cho các hộ nông dân khác tại địa phương cùng thực hiện. Cụ thể các địa phương như sau:

SttĐịa điểm thực hiện

Quy mô

(ha)

Số hộ tham gia

Thời gian

thực hiện

1HTX NN Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân20120Tháng 2-6/2024
2HTX DVNN Thôn Nội, xã Đồng Du, huyện Bình Lục20107Tháng 2-6/2024
3HTX DVNN Liêm Cần, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm2094Tháng 2-6/2024
Tổng cộng60321 

b. Tập huấn, hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật, hội nghị sơ kết, tham quan

- Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty CP chứng nhận Quốc tế đơn vị cấp giấy chứng nhận VietGAP, Công ty CP chứng nhận CAC đơn vị đào tạo, tư vấn tổ chức 06 tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, kết hợp với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững cho 720 lượt người tham gia mô hình.

- Phân công cán bộ phụ trách các mô hình thường xuyên bám sát theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp kỹ thuật kịp thời, hiệu quả.

- Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết tham quan học tập để đánh giá hiệu quả của mô hình làm cơ sở cho việc tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

2. Kết quả thực hiện mô hình

2.1. Địa điểm thực hiện

SttĐịa điểm Giống lúaThời gian cấyThời gian trỗDự kiến thu hoạch

Năng suất dự kiến

(tấn/ha)

1HTX NN Nhân PhúcADI3018/2-20/02/202410/5 - 15/5/202410/6-15/6/20246,3
2HTX DVNN Thôn NộiHương Bình19/2 - 21/02/202410/5 - 15/5/20248/6 - 12/6/20246,3
3HTX DVNN Liêm Cần Bắc thơm 726/02-29/02/202418/5-23/5/202415/6-20/6/20246,0

2.2. Kết quả hỗ trợ

- Hình thức hỗ trợ sau đầu tư: HTX, hộ nông dân tham gia mô hình chủ động chuẩn bị các điều kiện về quỹ đất, nhân lực, giống và các vật tư... để thực hiện mô hình; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua vật tư thiết yếu như: giống, phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ 100 % kinh phí chứng nhận VietGAP.

- Định mức hỗ trợ: Theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam. Cụ thể như sau:

 + Hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư, thuốc BVTV (tương đương 77.660.00đ/20ha/vụ);

 + Hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (tương đương 75.000.000đ/20ha/3 năm);

+ Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, triển khai thực hiện mô hình.

3. Đánh giá hiệu quả

3.1. Hiệu quả khoa học

Khác với phương pháp cấy tay phương pháp cấy bằng máy với khoảng cách thưa (18-20cm x 30 cm) tương đương mật độ 17-19 khóm/m2 (cấy tay 40-42 khóm/m2), số dảnh hữu hiệu/khóm cao (9-12 dảnh/khóm trong khi lúa cấy tay từ 4-6 dảnh/khóm), phương pháp này giúp giảm giống, cây lúa sử dụng hiệu quả ánh sánh mặt trời, hạn chế sâu bệnh so với phương pháp sản xuất lúa thông thường.

3.2. Hiệu quả kinh tế (tính cho 1ha mô hình đại diện tại HTX NN Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân)

ĐVT: 1.000đ

TTNội dungĐơn vị tính

Đơn giá

(đ)

Trong mô hìnhNgoài mô hình
Cấy tayGieo sạ
Số lượngThành tiền
(đ)
Số lượngThành tiền
(đ)
Số lượngThành tiền
(đ)
IChi phí sản xuất/vụ/ha/năm27.28829.18526.584
1Giống lúa chất lượngkg35351.225421.470421.470
2Phân Urekg111952.1451952.1451952.145
3Super lânkg54242.1204242.1204242.120
4KaliCloruakg111161.2761161.2761161.276
5Phân hữu cơkg12.0002.0002.0002.0002.0002.000
6Thuốc BVTVđ1.00011.00033.00044.000
7Chi phí làm mạđ3.3241.385554
8Công cấy/gieođ3.3248.3101.385
9Dặm tỉađ1.38502.770
10Công thu hoạchđ3.3243.3243.324
11Công làm đấtđ5.5404.1555.540
12Chứng nhận VietGAPđ625
IINăng suất dự kiến (tấn/ha)6,36,05,6
IIIGiá bán trong
MH(đ/tấn)
12.000
IVGiá bán ngoài
MH(đ/tấn)
11.00011.000
VDoanh thu/vụ/ha/năm75.60066.00061.600
VILợi nhuận48.31236.81535.016
VIIChênh lợi nhuận trong MH so với ngoài MH (đồng/vụ/ha)11.49713.296
VIIIChênh lợi nhuận trong MH so với ngoài MH (đồng/vụ/20ha)229.940265.920

 - Đối với giống, phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất: Trên cơ sở nhu cầu thực tế, các HTX đã lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín để cung ứng giống lúa, phân bón và thuốc BVTV đảm bảo chất lượng.

- Đối với khâu làm đất: các HTX đã điều hành các tổ dịch vụ làm đất tại địa phương để chủ động làm đất theo thời vụ (khoảng 200.000đ/sào);

- Đối với khâu làm mạ và cấy máy: Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ các HTX tìm các tổ dịch vụ làm mạ khay, cấy máy uy tín như: Tổ dịch vụ của ông Lê Văn Thắng - huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thành, ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình (từ 280.000 - 300.000đ/sào);

- Đối với khâu phun thuốc BVTV: Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Lý Nhân tham mưu cho UBND huyện Lý Nhân hỗ trợ 02 lần công phun thuốc BVTV bằng thiết bị máy bay không người lái tại HTX NN Nhân Phúc do Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời thực hiện, các điểm còn lại do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Liêm tổ chức phun bằng máy bay không người lái.

- Đối với khâu thu hoạch: Các HTX chủ động thuê tổ máy giá phù hợp (từ 100.000-120.000 đ/sào) để thu hoạch, sản phẩm có thể được thu mua tươi để sấy máy hoặc phơi khô qua một nắng.

- Đối với khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm: Các HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ - tỉnh Hà Nam; Công ty TNHH Hưng Phú - tỉnh Hưng Yên để bao tiêu sản phẩm lúa - gạo, dự kiến giá thu mua lúa khô 12.000đ/kg.

Như vậy, so với phương pháp gieo sạ và cấy tay, lúa cấy ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất cho lãi từ 11-13 triệu đồng/vụ/ha.

3.3. Hiệu quả xã hội

   - HTX, các hộ dân tham gia mô hình làm chủ được tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu lúa - gạo an toàn. Việc thực hiện thành công mô hình làm cơ sở để các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong toàn tỉnh đến tham quan, học tập, nhân rộng để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa các tổ dịch vụ, hoàn thiện chu trình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các HTX DVNN.

- Giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp nói chung và tại các vùng sản xuất lúa nói riêng do tình trạng đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác, lao động nặng nhọc được giải phóng, sức khỏe của người dân được nâng cao.

3.4. Hiệu quả môi trường

Khi sử dụng máy cấy, cây lúa được cấy với mật độ thưa, tận dụng được ánh sáng, cây lúa phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại do đó hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

4. Thuận lợi và khó khăn

4.1. Thuận lợi

- Có sự quan tâm, phối hợp và chỉ đạo kịp thời của các địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện ngay từ đầu vụ, có nhiều giải pháp hữu hiệu đối với mô hình; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn địa phương trong suốt quá trình thực hiện mô hình.

- Các hộ nông dân tham gia mô hình đã tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp trong vụ Xuân.

- Giá lúa bán cao hơn so với cùng thời điểm các năm trước tạo phấn khởi cho nông dân tham gia sản xuất.

4.2. Khó khăn

- Thời tiết diễn biến bất thường, đầu vụ sản xuất (cuối tháng 2, đầu tháng 3) có các đợt rét đậm kéo dài nên đã ảnh hưởng phần nào đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tình hình dịch hại diễn biến phức tạp, một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại nặng như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn....

- Giá phân bón, các loại vật tư nông nghiệp khác (Giống lúa, thuê máy làm đất,...) so với giá lúa vẫn ở mức cao, giá ngày công lao động cao ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh sản xuất.

- Một số người dân chưa quen cấy máy mật độ thưa hơn so với gieo thẳng hoặc cấy tay, từ đó tạo tâm lý lo lắng, dặm thêm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất lúa, cũng như tăng công lao động, không quan tâm chăm sóc, phòng trừ ốc, chuột gây hại... làm ảnh hưởng đến mật độ.

IV. Kết luận, đề nghị

1. Kết luận

- Xây dựng thành công 03 điểm trình diễn sản xuất lúa an toàn theo VietGAP ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 20ha/điểm.

- Các hộ tham gia mô hình triển khai đầy đủ các nội dung và đạt mục đích, yêu cầu của dự án, đáp ứng theo tiêu chuẩn đề ra, hình thành được chuỗi liên kết giá trị bền vững, hiệu quả.

- Mô hình sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ, sản phẩm lúa - gạo đảm bảo an toàn, giúp nâng cao giá trị sản xuất từ 20-25% so với sản xuất truyền thống.

2. Đề nghị

- Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình ở vụ Xuân, các địa phương tuyên truyền hiệu quả của mô hình, chỉ đạo HTX tiếp tục duy trì tổ chức, phát triển sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trong những năm tiếp theo;

- Các HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, đánh giá lại hàng năm, hướng dẫn các hộ thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y