Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo số Kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL trong lĩnh vực Sở Nông nghiệp & PTNT n...

Giới thiệu chung Chuyển đổi số  
Báo cáo số Kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL trong lĩnh vực Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2023
Báo cáo số 504/BC-SNN ngày 01/11/2023 về việc Báo cáo Kết quả tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL trong lĩnh vực Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 05/01/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2023; Kế hoạch số 03/KH-SNN ngày 12/01/2023 về việc tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Nông nghiệp & PTNT năm 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo kết quả triển khai thực hiện như sau:

I. QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.  Về công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Kế hoạch số 2213/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn tỉnh kỳ 2019-2023, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Kế hoạch số 27/KH-SNN ngày 21/4/2023 về triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2019 - 2023, chỉ đạo tất cả phòng, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2019-2023. Phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Luật ban hành văn bản QPPL, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một  số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ.

Chỉ đạo các phòng, đơn vị thường xuyên cập nhật, rà soát, kiểm tra đối với các văn bản QPPL do Bộ Nông nghiệp & PTNT, HĐND, UBND tỉnh ban hành; tham gia góp ý kiến đối với các văn bản QPPL do các Sở, ngành chủ trì soạn thảo, văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, phát hiện và kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, xử lý kịp thời các văn bản đã hết hiệu lực toàn bộ, một phần hoặc có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp; theo dõi, đôn đốc việc tự kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật đã kiến nghị.

2. Về công tác tổ chức rà soát

Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tự kiểm tra, xử lý và lập danh mục đối với các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành đang còn hiệu lực pháp luật có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, các bộ ngành có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý.

3. Phạm vi hệ thống hóa văn bản

Phạm vi hệ thống hóa văn bản là tất cả các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành đến hết ngày 31/12/2023, qua rà soát xác định còn hiệu lực (bao gồm cả các văn bản đã được ban hành nhưng đến hết ngày 31/12/2023 chưa có hiệu lực) thuộc trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa của các cơ quan theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL.

II. KẾT QUẢ RÀ SOÁT

1. Kết quả chung

Số lượng văn bản QPPL liên quan được rà soát: 45 văn bản QPPL, gồm 10 văn bản luật, 29 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 06 Thông tư cấp Bộ thuộc lĩnh vực quản lý (tại Phụ lục 1 kèm theo).

2. Kết quả cụ thể

2.1. Lĩnh vực trồng trọt

- Đối với Luật Trồng trọt:

+ Quy định chung về quản lý giống cây trồng; lưu hành giống cây trồng đang quy định tại Điều 22, 23, 25, 31, 35 Luật Trồng trọt năm 2018 chưa rõ ràng. Cần phải quy định cụ thể để quản lý chuỗi lưu hành (sản xuất, quảng cáo, vận chuyển, trưng bày, buôn bán, sử dụng...) đảm bảo thống nhất.

+ Chưa quy định về việc thực hiện ban hành Danh mục giống cây trồng và phân bón được lưu hành tại Việt Nam nên cần phải bổ sung.

- Đối với Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 29/02/2012 của Chính phủ: Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 14/05/2015 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay chưa đồng bộ theo Luật Thanh tra năm 2022 (quy định tại các Điều 36, 37, 38).

- Đối với Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành không còn phù hợp theo Luật Thanh tra năm 2022 (quy định tại Điều 112).

- Quy định thẩm quyền của Thanh tra về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 32, Điều 33, Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 25/6/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Điều 41 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sử đổi bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/01/2021 của Chính phủ; Điều 87 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng, được sử đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ; Điều 29 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09/06/2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt đang không thống nhất với quy định tại Điều 46 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đã được sửa đổi bổ sung năm 2020 và phù hợp với Luật ban hành văn bản quy định phát luật.

- Đối với Thông tư số 33/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành và trang phục, thẻ công chức thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay chưa đồng bộ theo Luật Thanh tra năm 2022.

- Đối với Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật:

+ Khoản 6, Điều 33 quy định: “Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng phải đáp ứng quy định tại Điều 61 của Thông tư này", nhưng tại Điều 61 là “Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật" chứ không phải là “Quy định về kho thuốc bảo vệ thực vật", cho việc thẩm định điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không thể thực thi áp dụng được nội dung này vì không có căn cứ.

+ Khoản 1, Điều 56 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật quy định “Kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các yêu cầu của TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển", nhưng hiện nay TCVN 5507:2002 không còn hiệu lực, trong khi văn bản khác quy định về vấn đề tương ứng được ban hành sau không quy định thay thế cho TCVN 5507:2002 cho nên việc thẩm định điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không thể thực thi áp dụng được nội dung này vì không có căn cứ có hiệu lực phù hợp.

2.2. Lĩnh vực thuỷ lợi

- Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 35 Luật Thuỷ lợi:

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi;

+ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT quyết định cụ thể giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định;

+ UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

- Theo điểm b, khoản 1, Điều 4 Nghị định số 96/2018/NĐ-CP: giai đoạn từ năm 2021 trở đi căn cứ vào tình hình thực tế biến động của các yếu tố hình thành giá và khả năng ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT và các địa phương quy định và thông báo mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản quy định mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi. Vì vậy tỉnh không có cơ sở để quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

2.3. Lĩnh vực phòng, chống thiên tai

- Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 85/2020/TT-BTC: “Chi tiền lương làm thêm giờ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai".

- Tuy nhiên, khi thực hiện việc xây dựng chế độ làm thêm giờ cho cán bộ trực ban văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN còn có một số bất cập như sau:

+ Thứ nhất, Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với công chức, viên chức đã không còn phù hợp với các quy định về lao động hiện nay (cụ thể về quy định tính tiền lương làm thêm giờ tại Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và chế độ trả lương làm việc thêm giờ tại mục IV Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005);

+ Thứ hai, Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 (Theo nội dung Quyết định số 5016/QĐ-BNN-PC ngày 23/12/2021 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2021).

2.4. Về công tác quản lý đầu tư công và chất lượng công trình xây dựng

- Theo Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định về lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng xác định chi phí lập, thẩm định Báo cáo Chủ chương đầu tư và chi phí thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

- Tại Luật đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: quy định các gói thầu xây lắp có giá nhỏ hơn 5 tỷ đồng chỉ ưu đãi dành cho nhà thầu nhỏ và siêu nhỏ. Mặt khác, theo Luật xây dựng 2014 và Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/ 2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định nhà thầu tham gia thực hiện công việc tư vấn, thi công xây lắp phải có chứng chỉ năng lực của tổ chức phù hợp với loại, cấp công trình. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số công trình đặc thù trên đê hữu Hồng công trình cấp I dó đó phải lựa chọn nhà thầu hạng I, mặc dù tính chất đầu tư kỹ thuật không phức tạp như: các công tác cải tạo, sửa chữa mặt đê, đắp dốc lên đê… có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế những nhà thầu hạng I rất ít, nhà thầu hạng I rất ít có quy mô là nhà thầu nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, khi thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu là rất khó đáp ứng được 2 luật trên.

3. Nhận xét, đánh giá

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL luôn được quan tâm, chú trọng và triển khai thường xuyên liên tục tới các phòng, đơn vị. Công chức, viên chức luôn nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; việc thường xuyên kiểm tra rà soát văn bản QPPL đã kịp thời phát hiện những văn bản không còn phù hợp, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực của ngành và địa phương. Tuy nhiên, công tác rà soát, kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn do công chức thực hiện công tác pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên việc theo dõi, nắm bắt chưa được chặt chẽ, cán bộ mới còn thiếu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện. Chưa bố trí được kinh phí cho công tác kiểm  tra, rà soát văn bản.

Các văn bản QPPL do Sở tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành đều dựa trên cơ sở Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và các Bộ, ngành; tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành của một số Luật khá chậm nên việc triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện một số chính sách lớn cần nhiều nhân lực và kinh phí, tuy nhiên việc bố trí nhân lực và kinh phí còn hạn chế.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Các phòng, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019 - 2023 đối với lĩnh vực phòng, đơn vị phụ trách.

2. Tự kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền, 100% văn bản QPPL Sở đã tham mưu, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành. Kịp thời kiến nghị và đề xuất phương án xử lý những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (nếu có). Nội dung kiểm tra thực hiện theo quy định tại Điều 104 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL.

3. Rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL:

- Tổ chức rà soát thường xuyên các văn bản QPPL đã tham mưu với HĐND, UBND tỉnh ban hành theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định.

- Rà soát, lập danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố.

4. Rà soát cập nhật các văn bản QPPL đã được HĐND, UBND tỉnh ban hành để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật của tỉnh, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho việc kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

IV. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị UBND tỉnh trình Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL có nội dung chồng chéo, trùng lặp; các nội dung cần được cụ thể, rõ ràng để các tổ chức, cá nhân được thuận lợi, dễ dàng trong việc thực hiện.

2. Tiếp tục quán triệt việc kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

3. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị Sở Tư pháp thường xuyên mở các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức thực hiện công tác xây dựng, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác này.