Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công văn chỉ đạo sản xuất ứng phó với cơn bão số 2 - Prapiroon

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Công văn chỉ đạo sản xuất ứng phó với cơn bão số 2 - Prapiroon
Công văn số 1031/TT-CLT ngày 22/7/2024 của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc chỉ đạo sản xuất ứng phó với cơn bão số 2 - Prapiroon

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới phía ngoài sau khi đi vào biển Đông đã mạnh lên thành bão số 2 - Prapiroon. Hồi 07 giờ 00 ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 10-15 km/h, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Vị trí ở 21,3 độ Vĩ Bắc, 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, vùng nguy hiểm từ 18,0 đến 22,0 độ vĩ Bắc; từ 106,5 đến 110,0 độ Kinh Đông;

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2 - Prapiroon, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung chỉ đạo:

1. Chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, tháo cạn lòng sông, giữ nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng;

2. Khi có sự cố úng ngập, tập trung tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa bị ngập úng; huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa vùng bị ngập; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích lúa bị ngập nặng, diện tích mạ còn lại;

3. Có phương án chuẩn bị đủ lượng hạt giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày để gieo cấy lại trong trường hợp cần thiết;

4. Với vùng rau màu, chuyên màu khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng thời chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch; chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau;

5. Đối với diện tích bị úng ngập, khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Diện tích rau màu bị thiệt hại cần triển khai gieo trồng lại đảm bảo kế hoạch và thời vụ sản xuất;

6. Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, đặc biệt sự bùng phát của bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh bạc lá, ... sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra;

7. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt đối với nhãn đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại;

8. Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh với những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra; tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời có giống hỗ trợ nông dân gieo trồng.

Trên đây là các nội dung cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 2 - Prapiroon, đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo ngay và kịp thời báo cáo tình hình sản xuất cũng như ảnh hưởng của bão về Cục Trồng trọt để theo dõi, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

Văn phòng Sở