Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp ...

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2024
Kế hoạch số 32/KH-SNN ngày 04/7/2024 cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2024

Thực hiện Kế hoạch số 1232/KH-UBND ngày 28/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Hà Nam năm 2024; Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện của đơn vị với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thông qua kết quả PCI, PGI để đánh giá chất lượng điều hành hoạt động phát triển kinh tế của ngành Nông nghiệp & PTNT, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia năm 2024; giảm thiểu các tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay; tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức, thúc đẩy phát triển bền vững.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI, PGI; phát huy tính năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các giải pháp, cơ chế, chính sách theo quy định của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.

2. Yêu cầu

Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.

Triển khai thực hiện Kế hoạch theo sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, toàn diện của cấp ủy, chính quyền từ Sở đến các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, đơn vị.

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo việc triển khai kế hoạch được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở.

Trong tổ chức thực hiện phải bám sát nội dung Kế hoạch; xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện; nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; quan tâm công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư với mọi loại hình doanh nghiệp, tạo sự công bằng cho doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước.

II. THỰC TRẠNG PCI, PGI TỈNH HÀ NAM NĂM 2023

1. Khái quát kết quả PCI, PGI tỉnh Hà Nam

1.1. Kết quả PGI tỉnh Hà Nam năm 2023

Theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI tỉnh Hà Nam năm 2023 đạt 66,47 điểm, tăng 2,47 điểm và tăng 10 bậc so với năm 2022, đứng thứ 36 trong cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần, có 05 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng gồm: Chỉ số gia nhập thị trường (đạt 7,29 điểm, tăng 0,58 điểm và tăng 17 bậc); Chỉ số tiếp cận đất đai (đạt 6,54 điểm, tăng 0,61 điểm và tăng 17 bậc); Chỉ số tính năng động của chính quyền (đạt 6,92 điểm, tăng 0,04 điểm và tăng 2 bậc); Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (đạt 7,1 điểm, tăng 1,42 điểm và tăng 29 bậc); Chỉ số đào tạo lao động (đạt 6,42 điểm, tăng 0,56 điểm và tăng 7 bậc). Có 01 chỉ số tăng điểm, tuy nhiên giảm thứ hạng là Chỉ số chi phí thời gian (đạt 7,83 điểm, tăng 0,37 điểm và giảm 1 bậc so với năm 2022). Có 04 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng gồm: Chỉ số tính minh bạch (đạt 5,43 điểm, giảm 0,44 điểm và giảm 17 bậc); Chỉ số chi phí không chính thức (đạt 6,82 điểm, giảm 0,05 điểm và giảm 7 bậc); Chỉ số cạnh tranh bình đẳng (đạt 5,28 điểm, giảm 0,64 điểm và giảm 10 bậc); Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (đạt 6,69 điểm, giảm 0,43 điểm và giảm 8 bậc).

1.2. Kết quả PGI tỉnh Hà Nam năm 2023

Theo kế quả công bố của VCCI, Chỉ số PGI của Hà Nam năm 2023 đạt 23,40 xếp thứ 9 trong cả nước. Trong đó, cả 04 Chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022, cụ thể: chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai đạt 7,42 điểm, tăng 4,07 điểm; chỉ số đảm bảo tuân thủ đạt 6,05 điểm, tăng 0,93 điểm; chỉ số thúc đẩy thực hành xanh đạt 3,97 điểm, tăng 0,44 điểm; chỉ số chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đạt 6,02 điểm, tăng 4,19 điểm.

2. Tồn tại, hạn chế

Năm 2023, Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt; điểm số và thứ hạng PCI, PGI năm 2023 của Hà Nam tăng đáng kể, thuộc top 10 tỉnh, thành phố có điểm chỉ số xanh cấp tỉnh hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, doanh nghiệp; còn gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; chất lượng cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cấp, các ngành vẫn còn trùng lặp; vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh chưa được phát huy hiệu quả...

III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI, PGI TỈNH HÀ NAM NĂM 2024

1. Mục tiêu

Tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng (gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số tính năng động; Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số đào tạo lao động); quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp (gồm: Chỉ số tính minh bạch; Chỉ số chi phí không chính thức; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự).

Phấn đấu cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI, PGI tỉnh Hà Nam năm 2024 về điểm số và thứ hạng, duy trì trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá của cả nước.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

Để cải thiện, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI, PGI của tỉnh Hà Nam, của Sở Nông nghiệp & PTNT năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp & PTNT yêu cầu các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau:

2.1. Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường"

Các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức và cá nhân hiểu biết về quy trình giải quyết các thủ tục có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp như: Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,...

2.2. Chỉ số “Tính minh bạch"

Các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở, đơn vị có liên quan công khai, minh bạch thông tin về các tài liệu quy hoạch ngành do đơn vị mình phụ trách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và người dân theo quy định.

2.3. Chỉ số “Chi phí thời gian"

Thanh tra Sở công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ đầu năm để tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Các phòng, Chi cục trực thuộc Sở tiếp tục rà soát, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; sắp xếp hợp lý các nội dung, chương trình, kế hoạch công tác, đặc biệt đối với nội dung thanh, kiểm tra doanh nghiệp; ứng dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản lý thuế, phí, có giải pháp phù hợp cắt giảm thời gian thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế; phối hợp chặt chẽ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, không gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp.

2.4. Chỉ số “Chi phí không chính thức"

Thanh tra Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, đề xuất xử lý những cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao có hành vi, biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong trong công tác tham mưu, đề xuất thuộc lĩnh vực phụ trách, hạn chế sự chồng chéo trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hành vi tham nhũng, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý Nhà nước trong giải quyết công việc gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở:

Tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nội dung trong quy chế một cửa liên thông, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều cơ quan chức năng trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, thị trường, thuế…

Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ tại các vị trí nhạy cảm, thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, luật cán bộ, công chức. Nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm, chuyên nghiệp trong thực thi công vụ của công chức nhà nước khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

2.5. Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng"

Các phòng, Chi cục trực thuộc Sở thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch theo ngành, lĩnh vực trên website của Sở, trên cổng thông tin của tỉnh, đảm bảo tất cả các doanh nghiệp có thể tìm hiểu và nắm bắt thông tin kịp thời. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng “mối quan hệ" để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng như: hợp đồng kinh tế; cấp phép khai thác khoáng sản; đấu thầu, chỉ định thầu; giao, cho thuê đất đầu tư, sản xuất kinh doanh; tiếp cận thông tin; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; công khai chính sách ưu đãi đầu tư bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI theo quy định; công khai kết quả trúng thầu trên mạng đấu thầu quốc gia, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh… nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

2.6. Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền"

- Các phòng, Chi cục trực thuộc Sở: Thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, các cơ chế chính sách của tỉnh… Nâng cao chất lượng, mức độ tiện dụng của Cổng thông tin điện tử tỉnh trong việc cung cấp thông tin và tương tác với doanh nghiệp; đảm bảo sự nhất quán trong chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở cho doanh nghiệp.

Chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm và phát huy tính năng động, tiên phong, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở.

Xác định rõ trách nhiệm của từng phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở nhất là người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thông qua các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu và thực hiện đầu tư kinh doanh đúng quy định pháp luật.

2.7. Chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp"

Phòng Kế hoạch Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT các Kế hoạch, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành Nông nghiệp & PTNT theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các Nghị định hướng dẫn thi hành; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024.

2.8. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

Các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực theo thẩm quyền để thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhất là cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư lớn, phát triển các ngành sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Việc cải thiện, nâng cao chỉ số PGI tỉnh Hà Nam nhằm thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường; thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, định hướng nhà đầu tư nâng cao năng lực và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn tại tỉnh Hà Nam.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch này, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, Thủ trưởng các phòng, Chi cục trực thuộc Sở xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình phù hợp với từng chỉ số thành phần được phân công.

2. Trước ngày 25/12/2024, các phòng, Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của đơn vị mình, báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, đồng thời gửi Văn phòng Sở để tổng hợp.

3. Giao Văn phòng Sở là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và báo cáo, đề xuất Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh (nếu có) trong quá trình thực hiện./.

Văn phòng Sở