Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch xây dựng phát triển sản xuất Ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025

Tin tức - Sự kiện Tin nội bộ  
Kế hoạch xây dựng phát triển sản xuất Ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025
Kế hoạch số 27/KH-SNN ngày 04/6/2024 về việc xây dựng phát triển sản xuất Ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025

Thực hiện công văn số: 3359/BNN-KH ngày 3/6/2025 của Bộ nông nghiệp & PTNT về việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025 và Công văn số: 1205/SKHĐT-THQH ngày 30/5/2024 của Sở Kế hoạch & Đầu tư về việc lập kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Căn cứ Quyết định 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;  Nghị quyết 15-NQ/TU ngày ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh uỷ Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3724/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh uỷ Hà Nam;

Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, ước thực hiện cả năm 2024 và Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất Ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2025 cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH BƯỚC VÀO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH NĂM 2024

1. Thuận lợi:

- Có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, quyết liệt và kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ngay từ đầu năm, có nhiều giải pháp hữu hiệu đối với sản xuất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất với các biện pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp về thời vụ, cơ cấu giống, công tác thủy lợi... Các cấp, các ngành và nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và sản xuất kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp.

- Công tác làm thuỷ lợi nội đồng, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thuỷ lợi, máy móc được thực hiện tốt, đảm bảo cho việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

- Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã cơ bản được kiểm soát, khống chế kịp thời, không lây lan diện rộng, không gây thiệt hại lớn.

2. Khó khăn:

- Mưa lớn gây ảnh hưởng đến thời vụ và tiến độ trồng cây vụ đông 2024 -2025, đặc biệt là cây vụ đông ưa ấm (tổng diện tích cây trồng vụ Đông bị thiệt hại 1.322,38 ha, trong đó có 845,2ha bị mất trắng (thiệt hại >70% số cây); Thời tiết trong 3, 4 âm u kéo dài, số giờ nắng ít không thuận lợi cho cây trồng vụ Xuân sinh trưởng, phát triển nhưng thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại nặng như: sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, rầy nâu – rầy lưng trắng, chuột...;

- Giá các loại vật tư nông nghiệp như giống lúa lai, thuê máy làm đất, bơm nước... so với giá lúa vẫn ở mức cao, giá ngày công lao động cao ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh cho sản xuất;

- Một số công trình đang xây dựng, quy hoạch đường giao thông ảnh hưởng đến hệ thống tưới tiêu của một số địa phương; Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp  so với các ngành nghề khác thấp nên đa số nguồn lao động chính trong các hộ dân chọn đi làm ở công ty, hoặc các công việc khác nên nông dân không mặn mà với đồng ruộng.

- Nhận thức về bảo vệ rừng của một số bộ phận nhân dân còn chưa cao, hiện tượng người dân vào rừng chặt cây lấy gỗ, đào chè hoa vàng…vẫn còn xảy ra.

- Sản xuất trồng trọt với mức thu nhập thấp

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

1. Sản xuất nông nghiệp:

a. Lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp:

Theo số liệu báo cáo của Cục thống kê tỉnh Hà Nam, Phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố, vụ Xuân 2024 toàn tỉnh gieo cấy được 27.807,6 ha, đạt 100,47 % kế hoạch. Qua đánh giá ban đầu, lúa sinh trưởng phát triển tốt, ước tính năng suất toàn tỉnh đạt 67,27 tạ/ha (cao hơn so với vụ Xuân 2023 là 0,07 tạ/ha), sản lượng đạt 187.061 tấn. Kết quả gieo trồng diện tích các cây màu vụ xuân 2024 là 5.045,3 ha, đạt 130 % kế hoạch, tăng 114,5 ha so vụ xuân 2023: Cây ngô: 1.530,4  ha, đạt  98,3 %  kế  hoạch, giảm 156,4 ha so vụ xuân 2023; Đậu tương: 44,1 ha, đạt 88,2 % kế hoạch, giảm  0,1 ha so vụ xuân 2023; Lạc: 226,4 ha đạt 107,3 % kế hoạch, tăng 3,3 ha so vụ xuân 2023; Khoai lang: 113,6 ha, đạt 132,1 % kế hoạch, tăng 9,8 ha so vụ xuân 2023; Dưa chuột: 385,6 ha, đạt 98,1 % kế hoạch, giảm 3,9 ha so vụ xuân 2023; Bí xanh, bí đỏ: 169 ha, đạt 127,1 % kế hoạch, giảm 13,7 ha so vụ xuân 2023; Rau đậu các loại và cây khác: 2.067,3ha, đạt 186,2 % kế hoạch, tăng 275,5ha so vụ xuân 2023.

* Lĩnh vực lâm nghiệp:

Từ đầu năm Sở đã chỉ đạo các đơn vị, phòng trực thuộc rà soát, bám sát các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nắm vững tình hình địa bàn, đề xuất tham mưu kịp thời cho lãnh đạo đơn vị và chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp, biện pháp kịp thời bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn. Vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); hướng dẫn các tổ, đội bảo vệ rừng làm tốt công tác PCCCR; đảm bảo thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi có cháy rừng xảy ra.

Tiếp tục triển khai công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, làm tốt công tác tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý những vi phạm chặt phá rừng, buôn bán gỗ, động vật hoang dã trái phép.

- Công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng: Bảo vệ rừng với diện tích 2.935,1 ha rừng phòng hộ và 645 ha rừng sản xuất. Trồng rừng lại sau khai thác đạt 20 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,26%.

- Thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến ngày 27/5/2024 số cây nhân dân, cây phân tán, cây xanh đã trồng 778.250 cây đạt 70,8 % so với kế hoạch cả năm 2024.

b. Chăn nuôi -  thuỷ sản:

* Lĩnh vực chăn nuôi:

Sản xuất chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển theo hướng tăng quy mô chăn nuôi trang trại, giảm dần chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư. Kết quả cụ thể như sau:

- Đàn lợn ước đạt 385 nghìn con, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 101,3% kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 37.932,5 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 52,65% so với kế hoạch.

- Đàn gia cầm ước đạt 8.897,6 nghìn con tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% so với kế hoạch; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 12.563,1 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,3% so với kế hoạch.

- Đàn trâu bò ước đạt 37.083 con, bằng 99,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% kế hoạch. Trong đó đàn bò sữa ước đạt 4.468 con, bằng 96,5 % so với cùng kỳ năm trước, đạt 96,1% kế hoạch, đàn bò thịt ước đạt 28.925 con, tương đương cùng kỳ năm trước và đạt 98,9% kế hoạch. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.289,3 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,65% so với kế hoạch; sản lượng sữa tươi ước đạt 5.963 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,5% so với kế hoạch.

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại (thịt trâu, bò, lợn, gia cầm) ước đạt 51.784,9 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,7% kế hoạch.

  * Lĩnh vực thủy sản

- Sản xuất thủy sản tiếp tục được duy trì ổn định với tổng diện tích nuôi ước đạt 5.560 ha, bằng 101,1% so với kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi cá truyền thống khoảng 5.520 ha, diện tích nuôi con đặc sản khoảng 40 ha gồm (cá chuối, cá trắm đen, ốc nhồi, tôm, ba ba, ếch...); Toàn tỉnh hiện có 560 lồng nuôi cá trên sông Hồng, tổng thể tích khoảng 61.260m3, đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng, cá rô phi, cá chép,...

+ Tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 13.235 tấn, đạt 51,7% kế hoạch cả năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 13.025 tấn; sản lượng thủy sản khác ước đạt 210 tấn.

2. Công tác thuỷ lợi, đê điều và phòng chống lụt bão:

Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, công ty KTCTTL thực hiện hoàn thành Kế hoạch thủy lợi Đông Xuân 2023-2024[1];   Tập trung triển khai các giải pháp lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân 2023-2024, kết quả đến ngày 05/02/2024, tỉnh Hà Nam đã cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy và là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác đổ ải; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn để tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh kinh tế;

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đối với 03 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp[2]; thực hiện thẩm định các chỉ tiêu, tiêu chí về lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, chất lượng môi trường sống đối với 8 xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện Lý Nhân, Kim Bảng, Bình Lục và Thanh Liêm; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 02 Quyết định quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023 và năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Nam;

- Tổ chức kiểm tra diện tích tưới tiêu và sửa chữa công trình bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; thực hiện thanh lý hợp đồng tưới tiêu năm 2023 của Công ty KTCTTL tỉnh Hà Nam, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam.

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 99,6%; trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt 90,55%;

- Thường xuyên đôn đốc các nhà máy báo cáo công tác nội kiểm chất lượng nước sạch để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định; Làm tốt công tác tổng hợp số liệu điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn, trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra[3].

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định giao nhận nhà máy nước sạch 4 xã khu B và nhà máy nước sạch 6 xã khu C huyện Bình Lục theo hình thức có hoàn trả giá trị tài sản cho Nhà nước và phê duyệt giá trị hoàn trả để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước;

 - Tổ chức theo dõi tổng hợp giám sát chất lượng các nhà máy nước, rà soát báo cáo đánh giá công tác quản lý hoạt động các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn phục vụ các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh; Làm tốt công tác tham mưu xử lý đề nghị của UBND huyện Kim Bảng về nhà máy nước sạch 7 xã ven sông Nhuệ; tham gia ý kiến về phương án hỗ trợ vốn đầu tư của nhà máy cấp nước sạch thị trấn Vĩnh Trụ;

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống, bãi sông... phát hiện, báo cáo kịp thời sự cố, những hư hỏng công trình đê điều. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều, kết quả đã hạn chế được nhiều trường hợp vi phạm.

- Thực hiện tham mưu xây dựng dự thảo Tờ trình, Nghị quyết Quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hà Nam[4] theo đúng trình tự, quy định; Làm tốt công tác rà soát, tổng hợp số liệu báo cáo UBND tỉnh, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phục vụ kế hoạch thanh tra của Chính phủ[5];

- Tổ chức thực hiện kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2024[6] đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, quy định hiện hành; Tổng hợp, báo cáo kịp thời những sự cố về đê điều, kết quả thực hiện các hạng mục XDCB đê điều, công tác duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp đê, các vụ vi phạm Luật đê điều với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và UBND tỉnh.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của tỉnh; tham mưu xây dựng Kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra của tỉnh tổ chức kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai năm 2024 và tổ chức hoạt động tuyên truyền phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh.

3. Công tác phát triển nông thôn:

- Đến nay tỉnh Hà Nam có 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh Hà Nam được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

- Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025.

- Đôn đốc triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Kết quả đến nay 15 xã đăng ký xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024[7]; 02 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2024[8]. Phấn đấu năm 2024 có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

- Xây dựng dự thảo quyết định sửa đổi tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025 trình UBND tỉnh ban hành Quyết định theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Đôn đốc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Đến nay đã có 4 huyện, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 với 38 sản phẩm đạt hạng 3 sao cấp huyện[9]. Hiện nay còn huyện Kim Bảng chưa bố trí kinh phí thực hiện nên không đánh giá phân hạng sản phẩm được. Đến nay tỉnh Hà Nam có 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao).

- Đôn đốc, triển khai các huyện thị xã, thành phố triển khai, thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024; đôn đốc đăng ký ý tưởng thực hiện Chương trình OCOP năm 2024. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn, phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, phòng kinh tế thị xã, thành phố tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng chủ thể và ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2024; xây dựng báo cáo kết quả khảo sát. Kết quả có 06 huyện, thị xã, thành phố đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng số 35 ý tưởng sản phẩm của 19 chủ thể đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 03/6/2024 (Thanh Liêm 7 sản phẩm, Bình Lục 2 sản phẩm, Lý Nhân 4 sản phẩm, Kim Bảng 7 sản phẩm, Phủ Lý 11 sản phẩm, Duy Tiên 4 sản phẩm). Phấn đấu năm 2024 có từ 20-25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

- Phối hợp với Hội phụ nữ truyền đạt nội dung về Chương trình OCOP tại hội nghị tuyên truyền cho hội viên nòng cốt và phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Phối hợp với hội nông dân truyền đạt nội dung về phát triển HTX; Phối hợp với đoàn thanh niên truyền đạt nội dung về Chương trình OCOP và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

- Phối hợp với Tạp chí Tiếp thị và gia đình biên tập và đăng bài tuyên truyền Chương trình OCOP với nội dung “Sản phẩm OCOP Hà Nam - Niềm tin với người tiêu dùng"; tạp chí Việt Nam hội nhập tuyên truyền nội dung “Chương trình OCOP - Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông thôn".

Thực hiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội tính đến quý II/2024 ước còn 86.212/478.235 người chiếm tỷ lệ 18,03% (theo Khung khái niệm mới (ILCS19) của Tổng cục Thống kê: Những lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp chỉ để gia đình sử dụng hoặc chủ yếu để gia đình sử dụng sẽ không được tính là lao động có việc làm).

4. Công tác xây dựng cơ bản:

Sáu tháng đầu năm 2024, đã thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng các quy định như tổ chức thẩm định dự án; thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình. Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh theo phân cấp; kiểm tra chất lượng công trình trong quá trình thi công xây dựng và khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Kết quả các công việc trên đã đảm bảo đúng các quy trình, quy phạm, chế độ chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước, đúng tiến độ đề ra.

Tổ chức thực hiện các dự án được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến độ, chất lượng theo quy định. Đôn đốc các dự án chuyên ngành phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đê điều trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và chống ngập úng trên địa àn tỉnh.

5. Kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU

5.1. Tiếp tục duy trì thực hiện cánh đồng mẫu, vụ Xuân năm 2024 thực hiện 76 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 2.067,7 ha (Duy Tiên 7 mô hình-  233ha, Kim Bảng 14 mô hình- 585ha, Lý Nhân 16 mô hình- 330 ha, Bình Lục 25 mô hình- 521 ha, Thanh Liêm 9 mô hình- 278,7ha, Phủ Lý 5 mô hình- 120ha).  

5.2. Kết quả thực hiện kế hoạch 1876/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2025: Tổng diện tích đã chuyển đổi 1.204,01 ha/ 3.741,5 ha đạt 32,2 % KH, trong đó:

+ Chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 143,27 ha trồng rau màu các loại, ngô, cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi: đối với diện tích trồng rau củ quả tươi, hoa cây cảnh, giá trị sản xuất bình quân đạt 250 - 400 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước chuyển đổi 2 -5 lần; đối với diện tích chuyển đổi sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân 120-130 triệu/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với trước chuyển đổi.

+ Chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 367,28 ha trồng các loại cây ăn quả như cây có múi, ổi, vải, chuối... Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi cao hơn so với trước chuyển đổi 3 - 5 lần như: mô hình trồng bưởi năng suất các vườn bưởi > 5 năm tuổi đạt trung bình 15 - 20 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế thu được đạt trung bình 120 - 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng Ổi Đài Loan năng suất 17 -19 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế đạt 150 – 180 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng Vải lai u trứng cây trên 5 năm tuổi năng suất thực thu 14 – 15 tấn/ha/năm; hiệu quả kinh tế đạt 180 – 190 triệu đồng/ha.

+ Chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 693,46 ha, hình thức sản xuất chủ yếu là nuôi cá kết hợp cấy lúa hoặc trồng sen, hiệu quả kinh tế mô hình chuyển đổi, năng suất trung bình 4- 5 tấn cá/ha/năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 180- 240 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với trước khi chuyển đổi (thu từ nuôi cá khoảng 150-200 triệu đồng/ha/năm, thu từ lúa, sen đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/năm), mặt khác, chi phí sản xuất giảm do tận dụng lúa chét làm thức ăn nuôi cá và giảm phân bón, thuốc trừ sâu do tận dụng được lợi thế chuỗi thức ăn – phân bón của công thức xen canh.

5.3. Tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Cơ cấu nội bộ ngành chăn nuôi, thuỷ sản chiếm khoảng 55,8%, vượt 0,8% so với chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2025.

5.4. Tỷ lệ đàn lợn nuôi theo hình thức trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp đạt khoảng 69% về tổng đàn (bằng 98,6% so với chỉ tiêu của Kế hoạch thực hiện Nghị quyết năm 2025) và 79,2% về tổng sản lượng (bằng 99% so với chỉ tiêu của Kế hoạch thực hiện Nghị quyết năm 2025). Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi lợn được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 34%, bằng 97% so với chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025.

5.5. Tỷ lệ chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại và chăn nuôi chuyên nghiệp chiếm 56% về tổng đàn và chiếm trên 68% về tổng sản lượng, vượt chỉ tiêu của Kế hoạch thực hiện Nghị quyết đến năm 2025. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi gia cầm được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 34,2%, bằng 97,7% so với chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025.

5.6. Tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi bò sữa được sản xuất, tiêu thụ dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 100%.

5.7. Sản xuất thủy sản ngày càng đa dạng, bên cạnh các loài cá truyền thống, một số đối tượng mới được đưa vào sản xuất, bước đầu cho hiệu quả cao như cá chạch, cá chép Koi, cá ngạnh, cá chuối, ốc nhồi,... Ngoài ra, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh được mở rộng, các mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao" tiếp tục được người chăn nuôi duy trì sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị trên ha canh tác theo đúng mục tiêu Nghị quyết.

Ước giá trị sản xuất Ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt 8.705,2 tỷ đồng và tăng 1,9 % so với năm 2023.

IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI  NĂM 2024:

1. Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp như: tập trung dồn đổi ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch, hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao, sản xuất sản phẩm sạch giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa…Chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

 2. Tập trung triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân qua các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, đảm bảo đến hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

3. Tiếp tục duy trì ổn định phát triển chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm tại các trang trại, giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ trong khu dân cư và trong khu vực không được phép chăn nuôi;

4. Tham mưu, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ công tác phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng trang trại, công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng mô hình chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng hữu cơ; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và động vật thuỷ sản, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, thanh kiểm tra hoạt động sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn, quản lý chăn nuôi nông hộ;

5. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng tăng quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, áp dụng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đa dạng đối tượng, hình thức nuôi, mở rộng diện tích nuôi các loài thủy đặc sản có thị trường tiêu thụ tốt, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý tốt môi trường nuôi,….

6. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất trong sản xuất nông nghiệp năm 2024 theo Kế hoạch; đôn đốc các địa phương bố trí kinh phí hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện, đánh giá các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sau khi UBND tỉnh phê duyệt ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình năm 2024.

7. Tích cực tư vấn, hướng dẫn và đôn đốc các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2024 chủ động hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ các chủ thể nâng hạng sao của sản phẩm theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

8. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nước sạch, chủ động tham mưu với tỉnh các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu nước sạch, hợp vệ sinh tỉnh giao. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất kinh doanh giống cây trồng, thuốc thú y, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật.

9. Tăng cường chỉ đạo các địa phương chăm sóc và bảo vệ rừng, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra phát hiện các vụ vi phạm chặt phá rừng, buôn bán trái phép động vật hoang dã. Đẩy mạnh công tác phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô.

10. Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo việc thi công các công trình xây dựng cơ bản đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình.

V. KẾ HOẠCH NGÀNH NÔNG NGHIỆP & PTNT NĂM 2025

1. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt: 8.869 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) tốc độ tăng trưởng tăng: 1,9 % so với năm 2024.

2. Sản xuất lương thực:           353.200 tấn

Trong đó:        - Lúa:                326.600 tấn

                       - Ngô:                26.600 tấn

3. Thịt hơi xuất chuồng: 101.600 tấn

4. Sản lượng thủy sản:       25.800 tấn

5. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh: 100 %

6. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025 là: 69 xã

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2025

1. Tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy, các chương trình, đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

2. Tiếp tục phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững. Triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

3. Tập trung tuyên truyền đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân qua các chương trình, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí. Tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025.

4. Mở rộng diện tích sản xuất các cây trồng vụ Đông trên đất 02 vụ lúa, chú trọng sản xuất các cây trồng hàng hóa có giá trị thu nhập cao như cây dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, khoai tây. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm chủ lực. Chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

          5. Tiếp tục phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế như bò sữa, bò thịt, gia cầm; lợn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm để phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng mô hình chăn nuôi, thuỷ sản theo hướng hữu cơ; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm và động vật thuỷ sản, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, thanh kiểm tra hoạt động sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn, quản lý chăn nuôi nông hộ.

6. Tiếp tục chỉ đạo phát triển thủy sản theo hướng nuôi thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao tại các khu NTTS tập trung và các vùng ruộng trũng chuyển đổi theo quy hoạch; phối hợp với các địa phương hướng dẫn phát triển nuôi cá lồng trên sông Hồng, mô hình nuôi cá “Sông trong ao" và công nghệ sinh học trong xử lý nguồn nước  NTTS.

7. Tham mưu với UBND tỉnh và chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đề xuất các phương án xử lý kịp thời các sự cố, tiếp tục phối hợp với UBND các huyện trong vùng phân lũ, chậm lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, chủ động có kế hoạch khôi phục sản xuất sau thiên tai. Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị để đảm bảo đối phó kịp thời với mọi diễn biến bất thường của thời tiết. Tổ chức tốt công tác trực ban phòng chống thiên tai, thông tin dự báo thiên tai kịp thời. Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong và sau mùa mưa lũ.

8. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra chống chặt phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã, công tác bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng./.


[1]  Kết quả đến ngày 26/12/2023 toàn tỉnh đã nạo vét được 689.408/655.882 m3, đạt 105,1% kế hoạch; (trong đó: kênh loại I, loại II đã nạo vét được 239.435/237.111 m3, đạt 101,0% kế hoạch; kênh loại III và bờ vùng đã nạo vét được 449.973/418.771 m3 đạt 107,5% kế hoạch).

[2] Cụ thể: HTX Yên Bắc; HTX Tiên Hiệp; HTX Lê Hồ.

[3]  Kết quả đến ngày 03/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả điều tra Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Hà Nam năm 2023 theo Quyết định số 4826/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

[4]  Hiện nay đã gửi Hồ sơ đến Sở Tư pháp đề nghị thẩm định Nghị quyết .

[5] Theo các Công văn số 979/BNN-ĐĐ ngày 02/02/2024; số 1395/BNN-ĐĐ ngày 29/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

[6]  Hiện nay dự án đang trong giai đoạn mời thầu gói thầu khảo sát thiết kế, lập dự án nghiên cứu khả thi.

[7] huyện Thanh Liêm 03 xã; Lý Nhân 05 xã; Bình Lục 03 xã; Kim Bảng 02 xã; Duy Tiên 02 xã;

[8] xã Hoàng Tây - Kim Bảng; xã Đinh Xá - TP. Phủ Lý

[9] (thành phố Phủ Lý: 9 sản phẩm, huyện Bình Lục: 4 sản phẩm, huyện Lý Nhân: 7 sản phẩm, huyện Thanh Liêm: 8 sản phẩm, TX. Duy Tiên: 10 sản phẩm)

Phòng Kế hoạch Tài chính