Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Báo cáo Kết quả Dự án triển khai Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ

Thông tin về sáng kiến, Đề tài khoa học Kết quả thực hiện chương trình, đề tài, nhiệm vụ khoa học, Đề án, Kế hoạch sau khi được phê duyệt  
Báo cáo Kết quả Dự án triển khai Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ

​1. Tên dự án: "Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ"

2. Cấp quản lý: Cấp tỉnh

3. Cơ quan chủ trì dự án: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam.

Địa chỉ: Đường Lý Thường Kiệt, P. Lê Hồng Phong, Phủ Lý, Hà Nam.

4. Cơ quan phối hợp thực hiện:

- Phòng Nông nghiệp & PTNT/Kinh tế các huyện, thị xã triển khai Dự án;

- HTX DVNN tại các địa phương triển khai Dự án;

5. Thời gian thực hiện: Năm 2021.

6. Tổng kinh phí thực hiện dự án:  669.830.000 đồng. (Sáu trăm sáu mươi chín triệu tám trăm ba mươi nghìn đồng).

Trong đó:

- Kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp nông lâm nghiệp: 200.000.000 đồng;

- Vốn của hộ dân: 469.830.000 đồng. 

I. Sự cần thiết của dự án

Gà Móng là giống gà bản địa, có nguồn gốc từ làng Móng xã Tiên Phong cũ, nay là xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Giống gà này nổi tiếng của tỉnh Hà Nam được người chăn nuôi địa phương đang nuôi lưu giữ giống gà quý hiếm này bởi thịt chắc, thơm ngon, giữa lớp da và thịt không có lớp mỡ, da giòn, chân to cao, dáng thô và có sức đề kháng cao thích nghi với điều kiện chăn nuôi của các địa phương và thị hiếu người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, chăn nuôi gà Móng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người nông dân ở xã Tiên Sơn nói chung và cho người chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng. Hiện tại với tổng đàn gà Móng khoảng hơn 50 ngàn con trong đó đàn gà sinh sản chiếm trên 65%, bằng phương thức chăn nuôi truyền thống bán công nghiệp với quy mô bình quân từ 50-100 con/hộ, được nuôi rải rác ở các hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh và tập trung chủ yếu ở xã Tiên Sơn thị xã Duy Tiên (chiếm 70% tổng đàn gà Móng toàn tỉnh). Tuy nhiên, do không được đầu tư chọn lọc, nhân giống thuần chưa đúng kỹ thuật và hầu hết các hộ nuôi giữ giống gà này là người dân địa phương điều kiện kinh tế và trình độ chăn nuôi còn nhiều hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa đạt chỉ tiêu giống, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đàn giống thấp: gà mái trưởng thành đạt 1,8 - 2,0kg/con, gà trống đạt 2,5 - 2,8kg/con, sản lượng trứng chỉ đạt 50 - 70 quả/mái/năm, tỷ lệ ấp nở đạt 70 - 75%. Chính vì vậy,  giống gà Móng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm còn năng suất sinh sản và hiệu quả kinh tế của giống gà này chưa cao: bình thường các giống gà khác thụ tinh trực tiếp trung bình tỷ lệ 8-10 mái/trống, riêng đối với gà Móng thì tỷ lệ 6-7 mái/trống và tỷ lệ trứng có phôi đưa vào ấp nở đạt thấp 80%; do sự chênh lệch trọng lượng giữa gà mái và gà trống; đặc biệt vùng da gần lỗ huyệt và đôi gai cấu của loại giống gà này rất dày, xù xì nên tỷ lệ thụ tinh trực tiếp không cao. Trong khi với phương pháp thụ tinh nhân tạo một con gà trống thụ tinh được 25 con gà mái và tỷ lệ trứng có phôi đạt 95%, giảm chi phí nuôi trống gấp 4 lần so với phối tinh trực tiếp.

Từ những vấn đề trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ" là cơ sở để hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng tại chỗ và phát triển nhân rộng mô hình.

II. Mục tiêu

- Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo gà và xông khử trùng trứng giống trước khi ấp nở nhằm nâng cao sức sinh sản và sản xuất con giống chất lượng tốt cung cấp cho thị trường, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, giảm tỷ lệ loại thải, giảm chi phí thức ăn cho nuôi đàn trống trong chăn nuôi gà Móng sinh sản.

- Hoàn thiện quy trình nhân giống gà bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và chăm sóc nuôi dưỡng gà Móng bố mẹ trên địa bàn tỉnh Hà Nam. 

III. Quy mô:

Dự án thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi gà móng sinh sản với quy mô như sau:

- Số hộ tham gia:  2- 3 hộ;

- Số lượng gia cầm nuôi tối thiểu: 200 con/mô hình.

IV. Thời gian thực hiện: Từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021.

V. Nội dung thực hiện:

1. Chọn hộ, chọn điểm thực hiện mô hình:

a. Tiêu chí chọn hộ, chọn điểm xây dựng mô hình:

Hộ tham gia là hộ chăn nuôi gà Móng có kinh nghiệm chăn nuôi, đảm bảo điều kiện tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, gắn bó, tâm huyết với chăn nuôi. Cam kết thực hiện các nội dung, yêu cầu kỹ thuật của Dự án đề ra; Quy mô chăn nuôi tối thiểu 200 con/mô hình trở lên.

Địa điểm thực hiện: Xã Tiên Sơn huyện Duy Tiên và xã Vũ Bản huyện Bình Lục

b. Chọn hộ, chọn điểm:

Căn cứ tiêu chí chọn hộ, chọn điểm nêu trên, dự kiến sẽ lựa chọn 2 -3 hộ chăn nuôi gà Móng tại  xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên và xã Vũ Bản, huyện Bình Lục để triển khai thực hiện Dự án.

2. Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật:

Hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên gia cầm cho cơ sở chăn nuôi gà Móng sinh sản.

3. Xây dựng mô hình:

a. Chuồng trại: Chuồng trại phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm theo chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn được dịch bệnh; thông thoáng, thuận tiện trong việc dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân; có khu xử lý môi trường; có khu cách ly gia cầm ốm và tránh được sự lây lan khi có dịch xảy ra.

 b. Giống: Giống gà Móng thuần chủng tại các cơ sở chăn nuôi đã được bảo tồn giống gốc và được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. 

c. Thức ăn: Do các hộ tự mua hoặc sử dụng các loại thức ăn có sẵn như ngô cám, gạo tại địa phương để phối trộn với thức ăn công nghiệp hoặc dùng thức ăn công nghiệp ăn thẳng. 

d. Thú y: Thực hiện đầy đủ công tác phòng bệnh bằng tiêm vắc xin: Cúm H5N1, Newcastle, Gumboro và dùng kháng sinh để chữa bệnh.

e. Vốn thực hiện: Phương châm hộ dân chăn nuôi đầu tư kinh phí là chủ yếu, Dự án hỗ trợ một phần theo quy định như sau:

- Hỗ trợ 100% kinh phí cho chuyển giao công nghệ và chi khác.

- Hỗ trợ  50% giá trị con giống, chi phí  các loại vitamin, khoáng tổng hợp và dụng cụ thụ tinh nhân tạo và máy xông khử trùng trứng.

g. Tiêu thụ sản phẩm: Sản phẩm của mô hình được tiêu thụ ngay tại tỉnh và các địa phương khác.

h. Xử lý môi trường: Mô hình sử dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm nên đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường; toàn bộ chất thải gồm phân và nước tiểu của gà được vi sinh vật phân hủy hoàn toàn do đó môi trường chăn nuôi của mô hình được đảm bảo; Sau đó dùng chất độn chuồng đã được xử lý đó để bón cho cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

VI. Giải pháp thực hiện:

1. Chỉ đạo thực hiện mô hình

Chi cục Chăn nuôi & Thú y cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình và quy trình chăn nuôi; đồng thời thuê cán bộ kỹ thuật ở địa phương để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà, theo dõi giám sát quy trình sản xuất; các hộ thực hiện theo đúng yêu cầu quy trình, ghi chép số liệu kỹ thuật.

2. Giải pháp kỹ thuật

- Áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và ấp nở cho đàn gà sinh sản với các chỉ tiêu kỹ thuật của mô hình đạt như sau:

+ Năng suất trứng/mái: 70-90 quả/mái/năm

+ Tỷ lệ đẻ: 80%

+ Tỷ lệ trứng giống: 80%

+ Tỷ lệ ấp nở: 80-85%

+ Tỷ lệ nuôi sống gà con trong giai đoạn tuần tuổi đầu: 95%

+ Tỷ lệ đàn hao hụt trong giai đoạn đẻ ≤  2%/tháng  .

- Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các hội viên hiệp hội chăn nuôi gà Móng, các hộ chăn nuôi gà và các cán bộ kỹ thuật địa phương nơi triển khai dự án.

3. Cơ chế chính sách hỗ trợ mô hình:

- Hỗ trợ  50%  giá trị mua gà giống, chi phí dụng cụ thụ tinh nhân tạo, máy xông khử trùng trứng và các loại vitamin, khoáng tổng hợp phục vụ cho chăn nuôi.

- Hỗ trợ 100% kinh phí  chuyển giao khoa học kỹ thuật và các chi phí khác khi thực hiện mô hình.

4. Kinh phí thực hiện: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng chẵn)

VII. Hiệu quả của dự án

1. Hiệu quả kinh tế chăn nuôi

 Lợi nhuận 600 gà đẻ/năm: 173.146.000 đồng

          * Chi: 603.874.000 đồng

          - Tiền gà trống giống hậu bị:  24 con x 700.000 đ     =    16.800.000 đồng

          - Tiền gà mái giống hậu bị :   600 con x 500.000 đ   =   300.000.000 đồng

          - Thức ăn gà bố mẹ:  624 con x 45kg/12 tháng  x 9.000đ  =    252.720.000 đồng

          - Khấu hao, tu sửa chuồng trại:   624 con x 1000/con   =      624.000 đồng

          - Công chăm sóc:  365 công x 50.000 đ/công              =  18.250.000 đồng

          - Thuốc thú y, hóa chất:       624con x 4.000 đ/con      =    2.496.000 đồng

          - Men, vitamin, khoáng:      624 con x 20.000đ/con    =  12.480.000 đồng

          * Thu: 777.020.000 đồng

          - Gà đẻ: 600con x 80% đẻ x 80 quả/năm  = 38.400 quả         

          - Ấp nở: 38.400 quả  x 85% ấp nở = 32.640 con

              32.640 con x 18.000 đ/con                          =  587.520.000đồng

- Tiền bán gà bố mẹ loại thải: 187.500.000 đồng

+ Gà trống: 4,5kg/con x 20 con x 250.000đồng/kg   =    22.500.000 đồng

+ Gà mái: 2,5kg/con x 550con x 120.000 đồng/kg     = 165.000.000 đồng

- Tiền bán phân: 1.000kg  x 2.000đ/kg                          =     2.000.000 đồng

2. Hiệu quả khoa học

- Xây dựng mô hình chăn nuôi gà Móng bố mẹ nâng cao hiệu quả sinh sản của đàn gà như:

+ Giảm chi phí 4 lần nuôi đàn trống gà Móng so với thụ tinh trực tiếp;

+ Tăng tỷ lệ đẻ đàn trên 10% khi được bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và các vitamin hỗ trợ cho sinh sản;

+ Giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm tỷ lệ loại thải đàn trong quá trình khai thác khi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở chăn nuôi gia cầm sinh sản;

+ Tăng tỷ lệ ấp nở từ 7-10% khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gà và xông khử trùng trứng trước khi cho vào ấp.

- Trang bị cho các hộ chăn nuôi gà có kiến thức kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng  và quản lý dịch bệnh cho đàn gà.

3. Hiệu quả xã hội

- Duy trì và phát triển giống gà địa phương để đạt được năng suất hiệu quả cao hơn so với chăn nuôi truyền thống nhưng vẫn giữ được chất lượng sản phẩm thơm ngon của chúng.

- Tăng nhanh đàn gà theo hướng ứng dụng khoa học tiên tiến trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh đầu con cũng như chất lượng thịt.

- Tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá.

 - Giảm ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng.

4. Khả năng nhân rộng mô hình

- Mô hình chăn nuôi gà Móng áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ được phổ biến, nhân rộng trong toàn tỉnh nhằm mở rộng, phát triển đàn gà đặc sản quý hiếm tại địa phương, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông nghiệp nông thôn.

VIII. Kết luận:

Dự án: “Xây dựng mô hình áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gà Móng nhằm nâng cao hiệu quả sinh sản đàn bố mẹ" là dự án khoa học công nghệ dự kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cung cấp số lượng lớn con giống chất lượng tốt cho thị trường, góp phần duy trì nguồn gen gà Móng quý của tỉnh Hà Nam. Là mô hình điểm giúp người chăn nuôi học tập, rút kinh nghiệm và áp dụng nhân rộng nhằm phát triển sản xuất chăn nuôi và kinh tế - xã hội địa phương. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y