Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới

Tin tức - Sự kiện Tin trong tỉnh  
Hà Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều thành quả to lớn.

                                 Xây dựng đường giao thông nông thôn

         Công tác tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, sự điều hành có hiệu quả của các cấp chính quyền, sự đóng góp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự tham gia, hưởng ứng, đồng thuận của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân trong tỉnh. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải tạo, nâng cấp, xây mới khang trang, mang dáng vóc toàn diện, hiện đại ở mỗi làng quê. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh

       Tỉnh Hà Nam hướng đến mục tiêu xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả, phấn đấu là tỉnh có nền kinh tế phát triển bền vững. Xây dựng nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng hiện đại, dân chủ được phát huy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh. Trong quá trình thực hiện, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân; thực hiện tốt quan điểm “dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ”. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù h ợp theo từng thời kỳ, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền về những kinh nghiệp hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.

       Nhờ có sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay, tổng nguồn vốn tỉnh huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM là hơn 14.633 tỷ đồng , bình quân một năm huy động từ các nguồn cho chương trình xấp xỉ 1.626 tỷ đồng. Sau 10 năm thực hiện xây dựng, UBND tỉnh Hà Nam đã công nhận 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% số xã, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

         Với phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau” và có lộ trình cụ thể để tạo động lực thực hiện . Ngay từ những năm đầu thưc hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam đã tập trung cao cho công tác xây dựng quy hoạch. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng , là tiền đề phải đi trước một bước trong thực hiện xây dựng NTM với mức hỗ trợ 120 triệu đồng/xã. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại được hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư hướng đến đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn đổi mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về không gian, thu nhập, mức sống.

       Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xây dựng NTM được tỉnh Hà Nam ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm thực hiện chương trình, bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực từ ngân sách của Trung ương, của địa phương và lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu trên địa bàn, đặc biệt là sự tham gia đóng góp ngày công, hiện vật của nhân dân, đến nay Hà Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình thiết yếu. Rõ nét nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn ở Hà Nam được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Từ những năm đầu thưc hiện, Hà Nam đã phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân dồn sức làm đường giao thông nông thôn với các chỉ đạo cụ thể. Tỉnh hỗ trợ hơn 318.000 tấn xi măng để đổ bê tông được hơn 1.900km đường giao thông thôn xóm; 500km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa hơn 1.000km đường chục chính nội đồng. Các địa phương đã tập trung kiên cố được hơn 100km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm phát triển trong thời gian tới; đồng thời tỉnh cũng luôn khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo bằng việc ban hành Nghị quyết 05 về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể gắn với các đề án, mô hình phát triển sản xuất, xây dựng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

         Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thực hiện tốt các đề án, dự án và mô hình phát triển sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thu nhập người dân nông thôn từ 15 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 46 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được các cấp các ngành chú trọng quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp và lồng ghép các đề án, mô hình phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,85% (2018) so với năm 2010 là 10,68%.

        Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, bảo đảm các nghề phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, các cấp các ngành cùng với các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề trong toàn tỉnh đã phối hợp và tổ chức đào tạo cho khoảng 60.000 lao động nông thôn. Cùng với đó các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động người tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức sản xuất.

        Các hình thức tổ chức phát triển kinh tế trong nông thôn đã phát triển kinh tế trong nông thôn đã phát triển tạo điều kiện giải quyết việc làm. 100% số HTX nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; thành lập mới 41 HTX theo mô hình ít thành viên và các tổ hợp tác tham gia sản xuất nông sản an toàn làm vệ tinh liên kết chuỗi giá trị, hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả; nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tại các địa phương như mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa chất lượng, cây hàng hóa vụ đông, dưa chuột, liên kết trong tổ chức sản xuất rau sạch, an toàn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư hiệu quả. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn về đầu tư sản xuất trên tổng diện tích 656,22ha.

       Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp và từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân. Có nhiều mô hình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế: Mô hình trồng hoa cây xanh hai bên đường giao thông xã, thôn, nơi công cộng.

        Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thời gian tới tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí. Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông sản làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, các doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc mới, ổn định có thu nhập cao cho người dân. Phấn đầu hết năm 2020, tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo https://khuyennonghanam.myharavan.com