Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra trên diện rộng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 2791/UBND-NNTNMT ngày 25/12/2024 yêu cầu các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2025, chủ động bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kinh phí giám sát dịch bệnh, hỗ trợ tiêu huỷ, công cho người tham gia chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra...
- Rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin bổ sung
từ tháng 01-03/2025 cho đàn vật nuôi (từ ngày 05 - 20 hàng tháng); trong đó chú ý tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh được tỉnh hỗ trợ vắc xin như LMLM, DTL cổ điển, Dại chó mèo, Viêm da nổi cục trâu bò, ngoài ra khuyến khích người chăn nuôi tự tiêm phòng cho đàn vật nuôi các loại vắc xin khác như: DTLCP, Cúm gia cầm, tai xanh lợn...
- Tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh còn diện hẹp; xử lý
nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật
mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm và các cách nhận biết, phòng chống các bệnh truyền nhiễm động vật như bệnh LMLM gia súc, Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh lợn, Viêm da nổi cục trâu bò, Dại... Tuyên truyền cho người dân tự giác khai báo chăn nuôi khi có tái nhập đàn mới, khai báo dịch bệnh khi có gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh truyền nhiễm; không vứt xác động vật ốm chết ra ngoài môi trường, không mua bán, giết mổ động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân. Thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm; khu vực buôn bán, điểm thu gom, giết mổ động vật nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.
- Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương có nguy cơ cao, có tỷ lệ tiêm phòng thấp, địa phương có các loại dịch bệnh động vật xảy ra trong năm 2024./.
2. Sở Nông nghiệp & PTNT
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn cấp huyện thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp liên ngành với Quản lý thị trường, Công an tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trái quy định ra, vào địa bàn tỉnh.
3. Sở Y tế
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường giám sát các loại dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
4. Sở Tài chính
Cân đối nguồn ngân sách đảm bảo phục vụ cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm trong dịp lễ tết.
5. Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường tỉnh Hà Nam, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lậu động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh.
- Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật mà không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Sở Thông tin và truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nam
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, các hành vi bị nghiêm cấm để người dân, các hộ chăn nuôi biết và nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định pháp luật.
Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, để xảy ra dịch, bệnh trên đàn vật nuôi và tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, hoạt động giết mổ, sơ chế, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn dẫn tới tình trạng phát sinh dịch bệnh; kịp thời báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để chỉ đạo./.