Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014

Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014
Ngày  11  tháng 02  năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định số: 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

 

V/v Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng

 

cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014

           ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003.

Theo Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phê duyệt Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2013 - 2020;

Xét đề nghị của Liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Tài chính tại Tờ trình số 03/TTr-SNN&STC ngày 13 tháng 01 năm 2014, đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 09/TTr-SNN ngày 16 tháng 01 năm 2014,

 

QUYẾT ĐỊNH:

         Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên kế hoạch: Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam năm 2014.

 

2. Mục đích, yêu cầu:

2.1. Mục đích:

- Xây dựng “Cánh đồng mẫu” nhằm chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch giao thông nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa; hình thành nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng một cách đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý đồng ruộng, cây trồng và dịch bệnh tạo một chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, là tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.

 

- Hiệu quả kinh tế của các mô hình “Cánh đồng mẫu” giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cao hơn từ 7 - 10% so với phương thức sản xuất cũ.        

 

2.2. Yêu cầu:

- “Cánh đồng mẫu” phải phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chủ trương, định hướng và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo cho nông dân áp dụng thuận lợi tiến bộ kỹ thuật khi tham gia.

- “Cánh đồng mẫu” phải được quy hoạch gọn vùng, phát triển bền vững, có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu cho sản xuất 3 vụ/năm hợp lý theo hướng: Vụ xuân muộn - Vụ mùa sớm, mùa trung - Vụ đông hàng hoá.

+ Vụ Xuân: Sử dụng lúa thuần, lúa chất lượng, áp dụng gieo thẳng, biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hoá.

+ Vụ Mùa: Sử dụng lúa thuần, lúa chất lượng, áp dụng gieo thẳng, biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hoá.

+ Vụ Đông: Phát triển cây trồng hàng hoá gắn với tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng với doanh nghiệp.

- Quy mô diện tích:

+ Đối với cây lúa: từ 30 ha trở lên/mô hình/xã;

+ Đối với cây màu vụ đông: từ 30 ha trở lên/mô hình/xã.

- Thực hiện 3 cùng: cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh.

- Mô hình cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), cung cấp tín dụng và tiêu thụ sản phẩm của nông dân có nhu cầu. Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm rủi ro do nguyên nhân khách quan.

- Nông dân được bàn bạc dân chủ từ đó tự nguyện tham gia và được bảo đảm quyền lợi, hoàn toàn tự giác và chủ động trong việc thực hiện mô hình và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật và pháp lý.

- Tổ chức thực hiện các khâu dịch vụ cho nông dân theo hướng sản xuất tập trung và áp dụng cơ giới hóa: làm đất, làm mạ, cấy hoặc gieo thẳng, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

- Các cấp ủy Đảng chính quyền, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quán triệt sâu sắc tới mỗi cán bộ, Đảng viên, hội viên về nội dung, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện, tích cực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt chủ trương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu.

 

3. Nội dung kế hoạch thực hiện mô hình cánh đồng mẫu năm 2014:

- Tổ chức xây dựng 06 mô hình điểm cánh đồng mẫu, mỗi huyện, thành phố thực hiện 01 mô hình điểm trên 30 ha/cánh đồng/xã.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung, chủ trương chính sách, các biện pháp tổ chức chỉ đạo và giải pháp thực hiện Đề án cho cán bộ và nông dân trực tiếp tham gia xây dựng mô hình điểm.

- Triển khai tổ chức sản xuất 03 vụ liên tiếp (02 lúa + 01 màu vụ Đông) trên 06 cánh đồng mẫu. Diện tích trên cánh đồng mẫu luân canh 3 vụ/năm như sau:

* Cây lúa:

- Lúa vụ xuân: 06 mô hình, tổng diện tích 202,5 ha.

- Lúa vụ mùa: 06 mô hình, tổng diện tích 202,5 ha.

* Cây màu vụ đông: Tổng diện tích 202,5 ha. Trong đó;

- 04 mô hình ngô, tổng diện tích 76,5 ha.

- 04 mô hình cây bí xanh, tổng diện tích 81,0 ha.

 

- 01 mô hình cây đậu tương, tổng diện tích 30,0 ha.

 

- 01 mô hình cây dưa chuột, tổng diện tích 15,0 ha.

 

4.  Địa diểm thực hiện:

Tổ chức xây dựng 06 mô hình điểm cánh đồng mẫu: mỗi huyện, thành phố là 01 mô hình điểm từ 30 ha trở lên/cánh đồng/xã.

 

 

TT

 

Xã thực

 

 hiện

 

Tên cánh đồng

 

Diện tích (ha)

 

Vụ

 

Xuân + Mùa

 

Vụ

 

Đông

 

Cty phối hợp

 

thực hiện

1

Đọi Sơn,

Duy Tiên

Đường Bạn,

Đọi Hồ

30,0

Sản xuất giống lúa thuần

Đậu tương DT84

Cty phân bón Hoa Tín

CTy TNHH Nam Dương

2

Đồng Hóa,

Kim Bảng

Phương Thượng

37,5

Sản xuất giống lúa thuần

Ngô nếp N88, Dưa chuột

Cty phân bón Hoa Tín

CTy Giống CT Trung ương

3

Nhân Bình,

Lý Nhân

Đồng Lại

34,0

Sản xuất giống lúa thuần

Bí xanh, bí đỏ

Cty phân bón Hoa Tín

CTy Giống CT Hà Nam

4

An Ninh,

Bình Lục

Xa Giang

36,0

Sản xuất

 lúa thuần

Ngô nếp, Bí xanh, bí đỏ

Cty phân bón Hoa Tín

CTy Giống CT Ninh Bình

5

Thanh Nguyên,  Thanh Liêm

Đồng Cống

30,0

Sản xuất giống lúa thuần

Ngô nếp, bí xanh, bí đỏ

Cty phân bón Hoa Tín

CTy TNHH Nam Dương

6

Đinh Xá,

TP Phủ Lý

Cửa Làng

35,0

Sản xuất giống lúa thuần

Ngô nếp, bí xanh, bí đỏ

Cty phân bón Hoa Tín

CTy Giống CT Hà Nam

 

Tổng cộng

 

 

202,5

 

 

 

 

5. Các giải pháp thực hiện:

5.1. Giải pháp về thông tin tuyên truyền:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn thực hiện kế hoạch cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2013 - 2015 với các huyện, thành phố; các xã được lựa chọn.

- Phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể để phổ biến rộng rãi chủ trương xây dựng “cánh đồng mẫu” gắn với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền tính cần thiết và hiệu quả khi sản xuất nông nghiệp được tổ chức quản lý theo chuỗi giá trị với giá thành giảm hơn, năng suất cao hơn và sản phẩm nông sản, môi trường an toàn hơn để cán bộ, đảng viên và nông dân được biết từ đó đồng thuận và hưởng ứng.

- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới bằng hình thức liên kết xây dựng cánh đồng mẫu, vừa là bà đỡ, vừa hỗ trợ cho nông dân và đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

- Tuyên truyền để chính quyền địa phương và nông dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi đã đồng thuận tham gia chương trình, tạo được mối liên kết chặt chẽ và bền vững hơn trong quá trình thực hiện.

- Các huyện, thành phố chọn xã thực hiện cánh đồng mẫu theo tiêu chí đồng thời thông báo công khai chính sách hỗ trợ của tỉnh để nông dân hiểu rõ và tự giác thực hiện theo quy hoạch.

 

5.2. Giải pháp áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, cách thức quản lý và tổ chức sản xuất tiên tiến vào điểm xây dựng cánh đồng mẫu:

- Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như gieo thẳng bằng dụng cụ sạ hàng, hàng, bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng bảng so màu lá để bón phân, điều tiết quá trình sinh trưởng của cây trồng đối với sản xuất lúa; các giải pháp làm đất tối thiểu với đậu tương, khoai tây, bí; áp dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hợp để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất.

- Sử dụng phân phân bón, thuốc vệ thực vật trong danh mục, đảm bảo thời gian cách ly.

- Tưới tiêu hợp lý theo nhu cầu nước của cây, chủ động sản xuất 3 vụ/năm.

- Ứng dụng các giống tiến bộ, có chất lượng cao, có hợp đồng tiêu thụ.

 

5.3. Giải pháp về cơ chế chính sách:

a) Cơ chế hỗ trợ:

- Hỗ trợ sau đầu tư, khi có kết quả nghiệm thu thực tế.

- Kinh phí hỗ trợ cho sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật: thực hiện theo Hướng dẫn của Liên bộ Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010. Mức hỗ trợ 50% tiền giống lúa, ngô, bí xanh, bí đỏ, đậu tương (30% giống dưa chuột; 25% giống khoai tây) +  hỗ trợ từ 25 - 30% tiền vật tư, phân bón + Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật + Công tác xúc tiến thương mại.

- Kinh phí xây dựng hạ tầng nội đồng cánh đồng mẫu, hỗ trợ cơ giới hóa, xây dựng thương hiệu thực hiện theo các Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011; Quyết đinh sô 04/2012/QĐ-UBND ngày 30/3/2012; Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013; Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 và Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành, điều chỉnh, bổ sung Quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới.

- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hợp tác xây dựng cánh đồng mẫu.

b) Tổng kinh phí thực hiện Đề án năm 2014: 23.524.425.000 đồng (Hai mươi ba tỷ năm trăm hai mươi bốn triệu bốn trăm hai mươi lăm nghìn đồng), trong đó:

- Kinh phí của dân:                                19.372.775.000 đồng.

- Kinh phí hỗ trợ Nhà nước:                     4.151.650.000 đồng, trong đó:

+ Kinh phí quản lý và hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật năm 2014: 437.350.000 đồng.

+ Kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình:        1.453.500.000 đồng.

+ Kinh phí hỗ trợ cơ giới hoá:                       730.800.000 đồng.

+ Kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: 1.410.000.000 đồng.

+ Kinh phí hỗ trợ xây dựng thương hiệu:      120.000.000 đồng.

Những hạng mục, công trình của các xã tham gia mô hình đã được hỗ trợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ không được hỗ trợ theo Đề án này.

c) Nguồn vốn đầu t­ư:

- Nguồn kinh phí bổ sung của Chính phủ theo Nghị định số 42/2012/CP-NĐ ngày 11/5/2012 của Chính Phủ về việc thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa phần giao cho cấp chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

- Nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2020 và các nguồn khác.

5.4. Giải pháp về thị trường:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất trong cánh đồng mẫu, tổ chức cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

- Yêu cầu các doanh nghiệp phải có cơ chế linh hoạt hỗ trợ cho người sản xuất, thực hiện đúng cam kết, hợp đồng đã ký với nông dân, cung ứng các loại vật tư đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước, tổ chức thu mua tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất.

 

6. Thời gian thực hiện: Năm 2014.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch cụ thể tới từng xã; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp tài liệu cho nông dân, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, tiến độ đề ra; tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí thực hiện năm 2014, hướng dẫn lập các thủ tục thanh quyết toán, cấp phát kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng quy định hiện hành.

- Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

- Sở Khoa học và công nghệ: Tập trụng bố trí vốn sự nghiệp khoa học để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng, phát triển thêm các mô hình sản xuất có hiệu quả.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các tập thể, cá nhân tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng mẫu có hiệu quả.

- Đề nghị tổ chức đoàn thể chính trị phối kết hợp vận động các thành viên, hội viên của mình tích cực tham gia thực hiện Đề án.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn chỉ đạo các xã tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.

- Đối với các doanh nghiệp: Có cơ chế linh hoạt hỗ trợ cho người sản xuất, thực hiện đúng cam kết, hợp đồng đã ký với nông dân, cung ứng các loại vật tư đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước, tổ chức thu mua tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ; các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Quốc Trung